Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thợ cầu Hà Nội trên sông Hàn

Văn Thành| 13/08/2012 07:34

(HNM) - Ngay tại trung tâm TP Đà Nẵng, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1) đang khẩn trương thi công hai cầu vượt sông Hàn: cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý.


Đây là hai cây cầu lớn được thiết kế, xây dựng theo công nghệ hiện đại, khi hoàn thành sẽ phục vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng của TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, nối sân bay Đà Nẵng với các trục giao thông quan trọng khác, phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch giữa trung tâm hành chính phía bờ Tây và khu du lịch biển phía bờ Đông sông Hàn; bảo đảm cảnh quan đô thị và là điểm nhấn quan trọng của TP.


Phối cảnh cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý.

Hai cây cầu đặc biệt

Tại công trường, Trưởng phòng Kỹ thuật CIENCO1, kỹ sư cầu hầm Nguyễn Duy Thắng cho biết, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý được xây dựng để thay cầu cũ, gồm 12 nhịp với tổng chiều dài toàn cầu 695m. Bề rộng mặt cầu 33,5m gồm 6 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, là mặt cầu đơn lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cây cầu dây văng này sẽ là một biểu tượng đặc trưng cho Đà Nẵng. Trụ tháp cao 145m so với mực nước sông Hàn, được thiết kế lối lên tham quan. Điều đặc biệt của cầu là trụ tháp nghiêng 12 độ. Tháp nghiêng không liên kết với bệ. Toàn bộ dầm và tháp kê trên gối có tải trọng là 3.200 tấn, lớn nhất thế giới hiện nay. Sơ đồ bố trí dây văng bất đối xứng với 3 mặt phẳng dây là kết cấu mới hiện đại trên thế giới, giúp cây cầu có hình dáng đặc biệt, nhất là các dây văng trên nhịp biên, tạo những góc nhìn ấn tượng từ nhiều hướng khác nhau. Dây văng có màu trắng dưới ánh sáng ban ngày; ban đêm sẽ được chiếu sáng mỹ thuật phối hợp nhiều màu…

Trong khi đó, Cầu Rồng lại là chiếc cầu độc nhất vô nhị về kiến trúc, kết cấu chịu lực và giải pháp thi công. Cầu có kết cấu dầm vòm thép bê tông liên hợp. Đây là cây cầu vòm ba nhịp liên tục kết cấu dầm thép có thanh căng lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và là một kết cấu mới hiện đại trên thế giới hiện nay. Đường lên của vòm thân rồng cao tới 44m, được tổ hợp từ 5 ống vòm đơn, thân vòm không nhồi bê tông... Khi hoàn thành, người ta sẽ thấy trên cầu có một con rồng lớn như đang lướt sóng sông Hàn bay lên.

Sức trẻ

Từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng kiểm tra tiến độ thi công, Tổng Giám đốc CIENCO1 Cấn Hồng Lai tỏ ra hài lòng khi cả hai công trình tiến triển theo đúng kế hoạch. Đã hơn 30 năm gắn bó với nghề xây dựng cầu đường trên mọi nẻo đường của đất nước, giờ nghe giám đốc trẻ của các đơn vị báo cáo tiến độ và trình bày kế hoạch giải pháp triển khai tiếp, ông cảm thấy vững tin trước khả năng vượt tiến độ cả hai công trình. Mới ngoài 30 tuổi, hơn chục năm gắn bó với nghề, được đào tạo bài bản, nhiều năm tích lũy kinh nghiệm trên công trường, họ đã trưởng thành và nay vững vàng đảm trách những vị trí then chốt trên công trường thi công hai cây cầu đặc biệt này.

Ở cầu Rồng, có nhiều đặc điểm thiết kế đặc thù: Toàn bộ các hộp dầm thép có thiết kế thành hở nên rất phức tạp trong quá trình thi công. Đặc điểm của một đốt dầm là kết cấu thành hở cao 4m, rộng 14m, dài 8m, nặng 80 tấn, đốt đặc biệt nặng tới 146 tấn. Theo dự kiến, trước đây việc thi công sẽ thực hiện phương pháp dây thiên tuyến hoặc phương pháp cẩu nổi. Song, cả hai phương pháp này đều phức tạp: dây thiên tuyến không phù hợp với địa hình thi công; phương pháp cẩu nổi lại yêu cầu có sà lan hệ nổi 2.000 tấn, cẩu nổi từ 800 đến 1.000 tấn; các thiết bị này trong nước chưa có, nếu đi thuê của nước ngoài vừa đắt, vừa không chủ động được tiến độ. Dựa trên thiết kế và điều kiện địa hình, CIENCO1 đã nghiên cứu chế tạo và áp dụng công nghệ thi công bằng hệ long môn di động có thể thay đổi chiều cao để vừa thi công dầm, vừa thi công vòm cầu, có sức nâng tới 200 tấn…

Một chi tiết đáng lưu ý là theo yêu cầu của chủ đầu tư khi đấu thầu quốc tế dự án cầu Rồng, CIENCO1 đã liên danh với nhà thầu Tổng Công ty Cầu đường Quảng Tây (GRBC) với lý do có năng lực, kinh nghiệm đã thi công 3 công trình tương tự. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư xét thấy GRBC không đáp ứng được công việc nên đã chấm dứt hợp đồng. CIENCO1 được giao chủ động mọi nội dung của dự án và đã thực hiện suôn sẻ các hạng mục, khẳng định tài danh thợ cầu Việt Nam.

Ở cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, đội ngũ thợ cầu đã tổ chức thi công cọc khoan nhồi đường kính 2m, khoan vào đá gốc tới 50m; thi công bê tông khối lớn cho bệ, mố, bệ trụ, đổ một lần tới 8.000m3 bê tông; áp dụng thành công công nghệ ván khuôn di động thi công cả dầm dẫn và dầm chính; thi công tháp nghiêng 12 độ không liên kết với bệ, toàn bộ dầm và tháp kê trên gối có tải trọng 3.200 tấn… Qua hơn 3 năm thi công, đến nay cầu Rồng và cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc và ngày càng hiển hiện rõ trên sông Hàn.

Dấu ấn thợ cầu Hà Nội

Hồi tháng 7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đến thăm công trường thi công cầu. Mặc cho trời nắng gắt, ông vẫn đầu trần đi lên cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý. Mặt cầu bê tông cốt thép rộng hơn 33m này đã ngậm nắng cả ngày bốc hơi nóng hầm hập. Ông đi tới, trò chuyện cùng công nhân rồi kiểm tra các hạng mục công việc… Tiếp đó, ông xuống ca nô đi sang kiểm tra công trường thi công cầu Rồng. Dường như ưng ý trước những cố gắng của CIENCO1, nên ngoài số quà đã chuẩn bị sẵn để động viên những người thợ, ông quyết định thưởng ngay 50 triệu đồng cho các đơn vị thi công. Sau khi kiểm tra, Bí thư mời mọi người về Ban Điều hành dự án để trao đổi công việc. Ông lắng nghe kiến nghị của Ban Quản lý dự án, nhà thầu về màu sơn của thân rồng, vảy rồng, mẫu vảy rồng, việc xây dựng hầm chui đi bộ nút phía tây; tổ chức hệ thống đèn chiếu sáng trang trí cầu; việc bù giá vật liệu do trượt giá… và cho hướng giải quyết cụ thể. Đặc biệt là việc bù giá vật liệu, ông yêu cầu các ngành chức năng của TP giải quyết ngay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Theo ông, trong bối cảnh chung của nền kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp lao đao vì thiếu vốn, việc bù giá vật liệu đã có cơ chế chính sách rõ ràng, cần áp dụng sớm cũng là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp.

Một cán bộ văn phòng CIENCO1 cho biết, nhà thầu được chính quyền TP coi như doanh nghiệp của mình. Ở nhiều công trình khác, việc tổ chức lễ khởi công thường là do chủ đầu tư lo, song thực chất mọi việc đều dồn cho nhà thầu. Còn ở đây, chính quyền TP đứng ra lo mọi việc từ đầu tới cuối, nhà thầu chỉ tổ chức sao cho thi công suôn sẻ. Đặc biệt là phần nghiệm thu thanh toán. Trong khi ở nhiều địa phương phải chậm, hoãn hoặc giãn tiến độ nhiều dự án xây dựng cơ bản thì ở đây khối lượng thi công tới đâu về cơ bản được nghiệm thu, thanh toán tới đó. Trong sự tin yêu của chính quyền và người dân TP, bằng sự năng động sáng tạo, nhà thầu CIENCO1 đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trở ngại để thi công công trình vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật.

Khi làm việc với CBCNV nhà thầu về hai dự án, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhắc tới ngày 29-3-1975. Ông tỏ ý, với tiến độ như hiện nay, nếu tổ chức tốt việc thi công, TP sẽ có thêm hai công trình xây dựng mới được khánh thành vào dịp đó. Đây thực sự là những công trình có ý nghĩa thiết thực chào mừng ngày Đà Nẵng được giải phóng. Đây là mốc tiến độ mà CIENCO1 sẽ phấn đấu thực hiện để đáp lại tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã dành cho.

Ngày đó đang đến gần. Cùng với các cây cầu bắc qua sông Hàn đã thi công trước đó như Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, cầu quay sông Hàn, tới đây cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý sẽ cùng soi bóng trên sông, tô đẹp thêm cho TP đầu tàu kinh tế của miền Trung. Cùng hàng trăm công trình trên khắp mọi miền đất nước, những người thợ cầu Hà Nội đã lại ghi đậm dấu ấn của mình trên sông Hàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thợ cầu Hà Nội trên sông Hàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.