(HNM) - Do cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế nên một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang đứng bên bờ vực phá sản.
Khôi phục mô hình trồng rau muống tiến vua của HADICO tại xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Phạm Dung |
Chủ tịch Hội đồng quản trị HADICO - TS Phan Minh Nguyệt chia sẻ, hiện công ty có 9 dự án đang triển khai dang dở, do gặp phải nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, về nguồn vốn huy động và đặc biệt là công tác GPMB… Cụ thể là Dự án đầu tư xây dựng cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản hoa thuộc vùng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm với diện tích 10ha, tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng. Dự án này đã thực hiện được 4/8 gói thầu, khối lượng công việc thực hiện đạt 80%. Trong những việc còn lại khó khăn nhất là GPMB 9.700m2, đồng thời cởi những nút thắt để có nguồn kinh phí 28 tỷ đồng từ ngân sách. Trong đó các gói thầu nhà lưới (số 14 và 15) bằng 23 tỷ đồng; gói thầu mua giống và chuyển giao công nghệ 4,3 tỷ đồng. Nếu không vay được vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư, công ty phải đề nghị thành phố cho kéo dài 2 gói thầu 14 và 15 sang năm 2013. Tiếp đến là Dự án đầu tư xây dựng vùng sản xuất rau an toàn Đan Phượng với quy mô 76ha, hiện nay công ty đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Dự án đã được các sở, ngành thẩm định, Sở Kế hoạch Đầu tư đã trình TP nhưng chưa biết bao giờ được phê duyệt. Dự án rau muống tiến vua Sen Chiểu hiện đã được TP chấp thuận đầu tư từ đầu năm 2012 nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong GPMB. Dự án Chợ đầu mối Minh Khai giai đoạn 2 hiện đã xong phần san nền và xây tường bao nhưng đang gặp vướng mắc khi 11 hộ dân chưa có đất tái định cư GPMB; Dự án chợ Cầu Diễn (Từ Liêm) dự kiến trong quý III-2012 hoàn thành bước thỏa thuận quy hoạch kiến trúc và trình TP cấp giấy chứng nhận đầu tư chợ chính; Dự án chợ lâm sản Thượng Cát đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đã có quyết định thu hồi đất, nhưng phải chờ quy hoạch phân khu của TP. Đối với 3 dự án giết mổ gia súc gia cầm hiện mới chỉ có dự án Phú Xuyên được phê duyệt. Dự án giết mổ gia súc gia cầm tại Phúc Thọ hiện đã trình UBND TP lần thứ hai nhưng chưa được phê duyệt. Đối với dự án giết mổ tại Thường Tín, với quy mô ban đầu 10ha, sau TP điều chỉnh xuống còn 5ha, công ty đã tiến hành đo đạc sẽ làm thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công từng phần.
Nguồn vốn sở hữu của công ty hiện có khoảng 500 tỷ đồng, trong khi số vốn cần cho các dự án nêu trên lại rất lớn, nếu không được thành phố có chính sách hỗ trợ vay vốn thì các dự án khó triển khai đúng tiến độ. Ngoài ra, một số khó khăn do biến động về đất đai, nhiều đơn vị trực thuộc công ty bị thu hồi đất ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của cán bộ, công nhân viên. Hiện công ty mất 87,7ha đất nằm trong quy hoạch phải thu hồi để đầu tư cho các dự án khác của TP. Đối với các đơn vị bị thu hồi đất, công ty kiến nghị TP ưu tiên bố trí lại đất sạch và tiến hành giải quyết nhanh các thủ tục để tạo điều kiện di dời nhanh giúp các xí nghiệp của công ty sớm ổn định hoạt động.
Trước những khó khăn trên, công ty đã chuyển hướng, tập trung vào lĩnh vực phục vụ sản xuất nông nghiệp của thành phố, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho các đơn vị thành viên (tập trung đầu tư nội bộ). Đến nay, công ty đã nâng cấp trại lợn Sơn Đồng đưa công suất lên 200 nái và 1.400 lợn thịt với tổng mức đầu tư 9,6 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng trại gà thả vườn Hòa Lạc 120.000 con/năm với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Đầu tư trại gà đẻ trứng Sông Đà với tổng số vốn 4 tỷ đồng. Đầu tư trại chế biến hạt giống Thường Tín, xây dựng hạ tầng và đầu tư trang thiết bị tổng giá trị 3,5 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm 2012, công ty đạt doanh thu 398,5 tỷ đồng, đạt 103,04% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 37,68% kế hoạch cả năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2011. Nộp ngân sách 14,8 tỷ đồng, đạt 88,27% kế hoạch 6 tháng, bằng 29,35% kế hoạch cả năm. Hiện nay, công ty giữ mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4 triệu đồng/tháng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
TS Phan Minh Nguyệt cho rằng, việc phân cấp quyết định đầu tư và cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn theo hướng tăng quyền quyết định cho các cấp là phù hợp nhưng cần phân bổ hợp lý và giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch nông thôn, quy hoạch chi tiết phục vụ sản xuất phải được quan tâm đúng mức. Đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, song công ty luôn đặt mục tiêu sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, nên rất cần thành phố có cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn, đất đai để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, góp phần xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.