Hiện nay, số lượng doanh nghiệp cũng như số vốn đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Để nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, bền vững, các ngành chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nguồn nông sản chất lượng, an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, phải kể đến Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững...
Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện những chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Với sự vào cuộc của doanh nghiệp, nông nghiệp đã có thay đổi, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, sự chuyển biến này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành Nông nghiệp rất thấp.
Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) Phạm Thị Ngọc Hà cho rằng, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản chưa đủ mạnh, trong khi nông nghiệp là lĩnh vực nếu đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro…
Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng việc tiếp cận chính sách trong thực tế rất khó khăn, như: Giá thuê đất, thuế; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xây dựng vùng nguyên liệu tập trung...
Tại Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, giống lúa mới; 9 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 250 doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản... Song, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang gặp không ít rào cản. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, hợp tác xã đều gặp khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất. Hơn nữa, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, nên việc thuê đất sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tiếp tục gỡ vướng mắc
Để doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, các sở, ngành cần tham mưu với thành phố có thêm cơ chế về tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tham mưu thành phố có những chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Cùng với đó, nhân rộng việc quy hoạch vùng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu thu hút doanh nghiệp đầu tư, như vùng sản xuất chuối xuất khẩu tại Ba Vì; vùng lúa chất lượng cao tại Thanh Oai, Chương Mỹ; vùng chuyên canh hoa tại Mê Linh…
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở để thu hút doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là những dự án sử dụng ít tài nguyên, có hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ cao, dự án về sản xuất giống, công nghiệp chế biến và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng thay cho chỉ tăng về số lượng. Đồng thời, tiếp thu những sáng kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và có thêm nhiều hướng đi mới, giúp cho nông nghiệp có những đột phá, đạt được giá trị bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.