Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hải Dương cần cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Theo Chinhphu.vn| 16/03/2023 06:43

Tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, chiều 15-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, kết hợp triển lãm thành tựu xây dựng nông thôn mới và trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP.

Hải Dương là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước (cùng với Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 16-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự buổi lễ có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và tỉnh Hải Dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những thành tích, kết quả rất đáng trân trọng, tự hào trong xây dựng nông thôn mới mà đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hải Dương đã đạt được.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm từ thành công của Hải Dương trong xây dựng chương trình nông thôn mới: Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; sự liên kết, phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương.

Để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, bảo đảm kết nối giữa nông thôn với đô thị, giữa trung ương với địa phương, giữa tỉnh với huyện, huyện với xã, giữa các địa phương với nhau; nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phát triển mạnh sản phẩm OCOP với 5 yếu tố (xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển mẫu mã, bao bì; ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ nguồn vốn).

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác công - tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ hỗ trợ; phát huy vai trò trụ đỡ của nông nghiệp gắn với thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Chú trọng đầu tư cho con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xác định con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Coi trọng công tác liên kết vùng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phối hợp tốt với các bộ, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển tỉnh Hải Dương.

* Chiều cùng ngày, trong chuyến công tác tại Hải Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương và Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ô tô Ford Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương cần cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.