(HNM) - Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng hiện gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu các sản phẩm nông sản nói chung do công nghệ bảo quản sau thu hoạch và năng lực sơ chế còn hạn chế.
Bỏ qua nhiều cơ hội
Ngoài vải và nhãn, sắp tới các loại trái cây như xoài, thanh long… của nước ta cũng có khả năng tìm được thị trường mới. Được biết, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đang đàm phán các bước cuối cùng với Đài Loan (Trung Quốc) để mở cửa trở lại đối với mặt hàng thanh long. Đây là thị trường rất giàu tiềm năng đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là thanh long ruột đỏ đang được trồng nhiều tại khu vực phía Bắc. Ngoài thanh long, Cục BVTV cũng đã nộp hồ sơ cho Đài Loan đối với 5 loại trái cây khác gồm xoài, vải, nhãn, bưởi, chôm chôm và cũng đã được chấp thuận.
Xuất khẩu nông sản hiện gặp khó khăn do thiếu cơ sở chiếu xạ. |
Đối với Australia, ngoài quả vải vừa được cho phép nhập khẩu (NK), hai bên đang xúc tiến để sớm đưa quả xoài sang thị trường này ngay trong năm 2015. Mới đây, đoàn kiểm tra của Nhật Bản đã sang Việt Nam và đánh giá rất cao về yêu cầu chất lượng và kiểm dịch thực vật của xoài Việt Nam. Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là thị trường rất giàu tiềm năng để xuất khẩu (XK) thanh long, xoài, chôm chôm, vải, nhãn... Đặc biệt, vải, nhãn của khu vực phía Bắc trong đó có nhãn chín muộn Hà Nội cũng đã được cấp phép XK đi nhiều nước như Australia, Mỹ trong năm 2015.
Bên cạnh các loại trái cây, tiềm năng xuất khẩu rau, củ quả khác tại khu vực phía Bắc cũng rất lớn. "Thị trường rau thơm xuất khẩu đi Châu Âu, Nhật Bản rất lớn. Vì vậy, nếu Việt Nam làm tốt khâu bảo quản, sơ chế, đóng gói thì sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhiều vùng rau an toàn phía Bắc, trong đó có Hà Nội" - Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng khẳng định.
Khó khăn lớn nhất của nông sản của các tỉnh phía Bắc khi XK chính là chưa có trung tâm chiếu xạ đạt chuẩn và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn thiếu và yếu. Khu vực này hiện chỉ có Trung tâm Công nghệ CAS được Bộ KH&CN giao triển khai Dự án nghiên cứu công nghệ bảo quản CAS do Nhật Bản chuyển giao. Công nghệ CAS (hệ thống tế bào còn sống) có thể bảo quản nhiều loại nông sản, thủy sản, thực phẩm trong vòng nhiều năm liền nhưng vẫn bảo đảm 99% chất lượng như ban đầu. Năm 2014, trung tâm phối hợp với một số doanh nghiệp đã thực hiện bảo quản và XK thành công 10 tấn quả vải tươi sang Nhật Bản và hiện đang chuẩn bị hàng XK sang Pháp và Nhật Bản. Tuy nhiên, hệ thống thiết bị bảo quản tại trung tâm chỉ có công suất rất khiêm tốn ở mức 1 tấn quả vải/ngày.
Hiện nay, mùa vải ở khu vực phía Bắc vừa kết thúc. Tiếp đến, vụ thu hoạch nhãn tại các tỉnh phía Bắc, trọng điểm là vùng nhãn Hưng Yên, nhãn chín muộn Hà Nội đang cận kề. Vì vậy, việc nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là vấn đề rất được quan tâm bởi nếu chủ động được cơ sở chiếu xạ, giá thành XK có thể giảm được 2 USD/kg và còn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp,
nông dân.
Giải bài toán chiếu xạ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc làm việc với một số đơn vị của Bộ KH&CN nhằm tìm giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ chiếu xạ, bảo quản hoa quả. Bộ NN&PTNT đã giao Cục BVTV cùng một số cơ quan liên quan phối hợp với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nhằm sớm có phương án nâng cấp trung tâm này đáp ứng yêu cầu chiếu xạ cho hoa quả XK. Theo dự tính cuối năm 2015, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội sẽ hoàn thành việc nâng cấp để đáp ứng việc chiếu xạ cho các lô nhãn muộn XK tại phía Bắc. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ phải lùi lại vào năm 2016 do tiến độ nâng cấp trung tâm quá chậm.
Ông Cao Đình Thanh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - đơn vị chủ quản của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội - cho biết: Bộ KH&CN đã có phương án chỉ đạo bổ sung nguồn kinh phí khoảng 25 tỷ đồng NK thêm một số thiết bị nhằm nâng cấp dây chuyền chiếu xạ. Hiện tại, các thiết bị bổ sung NK từ Italia và Hàn Quốc đang được chuyển về Việt Nam.
Theo ông Thanh, sau khi nâng cấp, dây chuyền này có thể đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ khi chiếu xạ cho vải, nhãn với công suất 40-50 tấn/ngày. Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ sở vật chất đủ đáp ứng chiếu xạ cho hoa quả, sẽ phải xây dựng thêm một số hạng mục công trình phụ trợ như kho lạnh, kho kiểm dịch… với kinh phí khoảng 9-10 tỷ đồng nhưng hiện trung tâm vẫn chưa được cấp bổ sung kinh phí... Đây là vấn đề cần sớm tháo gỡ để thực hiện tốt việc bảo quản sau thu hoạch để nông sản Việt Nam có mặt và đứng vững trên thị trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.