(HNM) - Đã bước sang quý III năm 2013 nhưng đến nay, một số chỉ tiêu quan trọng của thành phố như thu ngân sách, giao đất dịch vụ, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo và các vi phạm về quản lý đất đai khó có thể về đích đúng hẹn.
Đáng tiếc, sự chậm trễ này phần lớn bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan: Công tác quản lý, lãnh đạo tại một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động sáng tạo, đặc biệt là cấp sở, ngành, quận, huyện...
Những món "nợ" có nguy cơ quá hạn
Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội vừa kết thúc đợt tái giám sát về "Kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố". Kết quả, sau một năm, qua 4 đợt tích cực triển khai, đến nay toàn thành phố mới xử lý được 203/394 trường hợp (đạt 52%). Hiện còn 191 trường hợp tại 9 quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức chưa được giải quyết. Đối với 261 trường hợp tồn đọng về vi phạm quản lý đất đai, đến cuối tháng 7, toàn thành phố mới giải quyết được 18 vụ; trong đó Quốc Oai tồn đọng nhiều nhất với 106 trường hợp, Hoài Đức 46 trường hợp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng, Sở TN&MT, việc giải quyết nhà "siêu mỏng, siêu méo" và các trường hợp vi phạm về đất đai trên địa bàn thành phố đang gặp nhiều khó khăn, khó có thể giải quyết dứt điểm trong quý III năm 2013. Thậm chí, dù đã được đôn đốc, nhắc nhở song đến nay vẫn còn tới 9/12 địa phương không có báo cáo về kết quả thực hiện xử lý các vi phạm đất đai.
Tương tự, về chỉ tiêu giao đất dịch vụ cho người dân, theo kế hoạch, đến tháng 6-2013, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội phải cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đến hết tháng 7, toàn thành phố mới giao được cho 10.121/78.820 hộ, đạt 12,84%. Cá biệt, một số huyện như Mê Linh, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất đến nay vẫn chưa có hộ nào được giao đất. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Mười, kết quả giao đất dịch vụ cho các hộ dân đạt quá thấp so với nhu cầu.
Thiếu sự vào cuộc quyết liệt
Dù ở các lĩnh vực khác nhau song hai ví dụ nêu trên cùng có một điểm chung về nguyên nhân gây ra chậm trễ, đó là thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Tại các buổi tái giám sát về "Kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố", hầu hết các địa phương đều kêu khó trong việc hợp thửa, hợp khối hay thiếu những hướng dẫn cụ thể của thành phố trong sử dụng đất sau khi xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo". Còn trong xử lý 261 vi phạm đất đai tồn đọng tại 12 quận, huyện, theo Sở TN&MT, chủ yếu các sai phạm là lấn chiếm đất công và phần lớn thuộc thẩm quyền các quận, huyện. Trái lại, tại các buổi làm việc với Đoàn giám sát, các địa phương vẫn có kiến nghị thành phố chỉ đạo, tháo gỡ?
Theo đánh giá của Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam, mặc dù các giải pháp thành phố đưa ra đã rõ nhưng tốc độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo còn chậm cho thấy các quận, huyện thiếu quyết liệt trong triển khai, chưa giải quyết triệt để và ngại động chạm. Bên cạnh đó có tới 9/12 địa phương chưa có báo cáo về tình hình xử lý vi phạm đất đai - một lĩnh vực đang gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân cũng cần được xem xét thấu đáo về kỷ cương hành chính, trách nhiệm thực thi công vụ.
Trở lại với vấn đề giao đất dịch vụ, trong khi nhiều địa phương kêu khó, không tiến hành giao được đất thì một số quận, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác này và đạt kết quả rất đáng khích lệ. Theo thống kê bước đầu, đến nay huyện Đan Phượng đã đạt khoảng 90%, huyện Thường Tín đạt khoảng 61%, huyện Phúc Thọ đạt 43% và quận Hà Đông đạt khoảng 21% (dự kiến đến hết năm 2013 giao cho khoảng 6.500 hộ đạt 41% số hộ có nhu cầu). Câu hỏi đặt ra, vì sao các địa phương như Mê Linh, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất đến nay vẫn chưa có hộ nào được giao đất thì các đơn vị nêu trên lại vẫn thực hiện được?
Tại buổi giao ban trực tuyến công tác đấu giá quyền sử dụng đất và kết quả công tác giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố mới được tổ chức, đại diện Sở TN&MT thẳng thắn chỉ rõ, một phần nguyên nhân là do một số quận, huyện chưa chủ động chỉ đạo quyết liệt đối với công tác giao đất dịch vụ và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai. Phần khác, đối với các khu vực đã có quyết định giao đất, tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất còn chậm, thiếu quỹ đất dịch vụ đủ điều kiện để giao cho các hộ dân.
Một chủ trương, quyết định của thành phố được thực hiện thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự điều hành, chỉ đạo từ các cấp chính quyền cơ sở, quận, huyện. Thời gian qua, thành phố đẩy mạnh việc phân cấp cho các địa phương gắn với thực hiện cải cách hành chính đã giúp giảm đáng kể những phiền hà, giải quyết nhanh gọn thủ tục cho công dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Quyền đã được trao, thiết nghĩ các địa phương cần tăng tính chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện, không quá trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Có như vậy, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 của thành phố mới hoàn thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.