(HNM) - Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tuy đã được triển khai khá toàn diện nhưng hiệu quả chưa cao, việc theo dõi quá trình triển khai thực hiện những đề xuất sáng kiến cải cách TTHC cũng như việc xử lý phản ánh, kiến nghị chưa sâu sát, triệt để…
Trong khi đó, số biên chế thực hiện nhiệm vụ còn mỏng. Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, nhiều bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, tỉnh Nghệ An, Hậu Giang…) chưa bố trí đủ biên chế, nhân sự cho thực hiện kiểm soát TTHC; tỉnh Trà Vinh còn chưa bổ nhiệm, phân công cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC mà vẫn bố trí thực hiện kiêm nhiệm. Ngay tại Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) cũng đang gặp khó khăn về nhân sự do chưa được giao đủ 60 biên chế theo chỉ tiêu đã được phê duyệt. Chưa kể, số biên chế thực hiện nhiệm vụ còn nhiều biến động, nhiều công chức làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC không có chuyên ngành luật nên không yên tâm công tác.
Kiểm soát TTHC là công việc khó, phạm vi rộng, nhất là từ khi khâu này được chuyển giao về Bộ Tư pháp. Cùng với việc tiếp tục thực hiện 19 nhiệm vụ được giao như trước đây, Cục Kiểm soát TTHC còn được giao bổ sung 5 nhóm nhiệm vụ gồm: Thực hiện chức năng kiểm soát TTHC trong ngành tư pháp; nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những sáng kiến cải cách TTHC; thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC; Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896); chủ trì triển khai nội dung cải cách TTHC trên phạm vi toàn quốc. Và trong kế hoạch năm 2015, Bộ Tư pháp đã đề ra những nhiệm vụ thiết thực như: Thực hiện đánh giá tác động của TTHC ngay trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và rà soát TTHC trong quá trình thực thi; thẩm định quy định TTHC tại dự án, văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn ngay từ khâu dự thảo các quy định TTHC gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính…
Trước yêu cầu mới, nếu không được bổ sung nhân sự thì việc đảm đương nhiệm vụ kiểm soát TTHC gặp không ít khó khăn. Vì vậy, các bộ, ngành chức năng cần sớm xem xét, giao đủ biên chế, đồng thời có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ làm công tác chuyên trách kiểm soát TTHC để thu hút những người có trình độ vào làm việc. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tạo điều kiện cho cán bộ, công chức bộ phận này được đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn để đảm đương nhiệm vụ tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.