(HNM) - Trên thực tế, nhiều làng nghề đang có nguy cơ thiếu nguồn nhân lực, nhất là lao động trẻ...
Những năm đầu thế kỷ XXI, sản phẩm mây tre đan của thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) từng "làm mưa làm gió" không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất đi nhiều nước trên thế giới. Nay thì ngược lại, khủng hoảng kinh tế đã khiến đơn hàng ngày càng thưa, lao động không còn việc làm. Nghệ nhân mây tre đan Nguyễn Văn Trung ở làng nghề Phú Vinh chia sẻ: "Do khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên phần lớn lao động đã không gắn bó với nghề. Năm thì mười họa nhận được đơn hàng chúng tôi lại phải đôn đáo chạy đi tìm người làm để kịp thời gian".
Nhiều làng nghề đang có nguy cơ thiếu nguồn nhân lực, nhất là lao động trẻ. Ảnh: Bá Hoạt |
Cách xã Phú Nghĩa không xa là xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) với 6/7 thôn trong xã được công nhận làng nghề. Những năm 2004-2007 là thời kỳ nghề mây tre đan phát triển mạnh, 80% người dân tham gia làm nghề, toàn xã có gần 20 công ty và hơn 50 chủ thu gom sản phẩm. Nhưng nay, các mặt hàng mây tre đan của Đông Phương Yên không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nên số hộ làm nghề đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 2 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và gần 20 chủ thu gom. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tiến cho biết, doanh nghiệp không sống được với nghề nên đã kinh doanh các mặt hàng khác. Người làm nghề cũng chuyển sang làm ruộng hoặc đi làm thuê, trước kia thanh niên tham gia làm nghề là chính thì nay chỉ còn phụ nữ, trẻ em.
Không chỉ với ngành nghề mây tre đan, thiếu hụt lao động trẻ là tình trạng khá phổ biến ở nhiều làng nghề truyền thống của thành phố. Chưa có con số thống kê chính thức song trong mấy năm gần đây đã có hàng nghìn lao động bỏ nghề truyền thống đi kiếm việc mới. Nguyên nhân khiến lao động trẻ không gắn bó với nghề là do thu nhập không ổn định, công việc bấp bênh. Mặt khác, sản xuất hàng thủ công đòi hỏi tính kiên trì, sự khéo léo, kiên nhẫn nhưng mức thu nhập bình quân hằng tháng của lao động chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng chưa đủ sức giữ chân lao động trẻ. Tạo việc làm cho người lao động bằng cách nhân cấy nghề cũng là một trong những chủ trương trong chính sách lao động việc làm của thành phố. Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, một số địa phương cũng đã tính đến việc nhân cấy nghề truyền thống cho các xã, thôn chưa có nghề hoặc truyền nghề cho lao động nông thôn nhưng xem ra chủ trương này không đem lại hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Chị Nguyễn Thị Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nội, xã Phú Kim, Thạch Thất cho biết: "Hội Phụ nữ của xã đã từng nhân cấy nghề mây tre đan và làm mành xuất khẩu cho khoảng 60 hội viên, ban đầu chị em rất hăng hái nhưng sau khi học xong, nhiều người không tìm được việc làm, một số người mạnh dạn đầu tư sản xuất lại bế tắc đầu ra cho sản phẩm nên người dân không mặn mà với việc học nghề". Tương tự Thạch Thất, huyện Đông Anh cũng đã thử nhân cấy nghề thợ mộc cho người dân ở các thôn chưa có nghề của xã Liên Hà, nhưng hiệu quả không cao bởi người lao động quan niệm đi học nghề sẽ không làm ra tiền hằng ngày và chưa chắc học xong đã sống được với nghề nên rất ít người tham gia.
Lao động trẻ có thế mạnh là sẽ nhanh chóng nắm bắt được tay nghề, có khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở LĐ,TB&XH, nhu cầu học nghề của người Hà Nội đã ít, nhu cầu học nghề truyền thống lại càng ít hơn nên hầu như tất cả các lớp dạy nghề cho nông dân đều vắng bóng lớp trẻ. Nguyên nhân sâu xa chính là bởi người lao động không sống được với nghề. Lao động trẻ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Vì vậy, trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, nếu không có cơ chế, chính sách nhằm giữ lao động trẻ cũng như khuyến khích, tạo điều kiện để các nghệ nhân, thợ cả nhiệt tình với công tác truyền nghề thì nguy cơ mai một nghề là rất lớn. Bên cạnh đó, thành phố cần có nhiều hơn chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nông thôn, ưu tiên cho doanh nghiệp thuê đất để mở rộng sản xuất và phát triển bền vững giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, làng nghề mới có cơ hội phát triển và đó chính là yếu tố quan trọng để lao động trẻ yên tâm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.