Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu cơ chế đặc thù

Ngọc Quỳnh| 20/03/2015 06:31

(HNM) - Thực hiện Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, đến nay, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ trong khu dân cư đang có chiều hướng giảm, quy mô trang trại ngày càng tăng; có sự liên kết giữa người chăn nuôi với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm,

Cần tăng cường liên kết giữa hộ chăn nuôi với các đơn vị cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.
Ảnh: Bá Hoạt



Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, trong quá trình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm vẫn còn nhiều bất cập: Chất lượng giống vật nuôi đã được cải thiện nhưng chưa cao, còn thiếu các trại chăn nuôi lợn giống ông, bà, bố mẹ thuần chủng. Chính sách phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư được thực hiện theo Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND của HĐND về hỗ trợ hệ thống xử lý môi trường chăn nuôi và các hỗ trợ trong Chương trình 2801 (hỗ trợ thiết bị làm mát, thiết bị chăn nuôi và xử lý môi trường; cải tạo chuồng trại từ chuồng hở sang chuồng kín), đến thời điểm này, không được tiếp tục thực hiện, làm ảnh hưởng lớn đến kết quả chăn nuôi của thành phố, một số chỉ tiêu như tăng tỷ trọng chăn nuôi, tăng quy mô chăn nuôi và đầu tư công nghệ cao khó có thể hoàn thành. Đặc biệt, chính sách về hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng cho các hộ sản xuất con giống là chưa phù hợp với thực tế, bởi không chỉ có các hộ sản xuất con giống mới cần đầu tư vốn, mà các hộ chăn nuôi quy mô lớn đều cần có nguồn vốn lớn. Năng suất sản phẩm chăn nuôi còn thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới do chưa được đầu tư áp dụng công nghệ cao. Đầu tư phát triển chăn nuôi theo công nghệ cao đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, do đó ngoài chính sách hỗ trợ lãi suất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các trang trại để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ nguồn vốn tự có trong dân. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ cho biết, việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn là chủ trương đúng của thành phố, nhưng việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa trang trại với doanh nghiệp còn hạn chế. Việc đầu tư khu xử lý môi trường trong chăn nuôi hầu như không làm được vì kinh phí quá lớn; mặc dù hộ nào cũng xây dựng hầm biogas, song do tốc độ chăn nuôi lớn, không xử lý triệt để được về môi trường…

Để đạt được các mục tiêu còn lại của Chương trình 2801, năm 2015, Hà Nội sẽ tập trung phát triển thêm 3 xã về chăn nuôi bò sữa, đó là các xã: Tòng Bạt, Ba Trại (Ba Vì) và Tàm Xá (Đông Anh); hình thành 15 xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa với tổng đàn lên tới 14.850 con. Bên cạnh đó là phát triển thêm 4 xã chăn nuôi bò thịt ở Thanh Mỹ (Sơn Tây), Sơn Đà (Ba Vì), Nam Sơn, Minh Phú (Sóc Sơn); hình thành 19 xã trọng điểm chăn nuôi bò thịt với tổng đàn là 32.000 con; tăng quy mô các trại chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư lên trên 400.000 con, chiếm 30% tổng đàn toàn thành phố; chăn nuôi gia cầm tăng lên 6,5 triệu con, chiếm 40% tổng đàn. Đồng thời tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết giữa người chăn nuôi với các đơn vị cung ứng vật tư, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp, hướng dẫn thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi ở các huyện, thị xã theo đúng quy hoạch. Các huyện cấp giấy chứng nhận trang trại, giao đất và thời gian sử dụng đất phù hợp để các chủ trang trại yên tâm đầu tư, phát triển chăn nuôi.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, sau khi kết thúc Chương trình 2801 giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở những kết quả đạt được, thành phố tiếp tục nhân rộng và phát triển chăn nuôi tại các địa phương theo định hướng. Để ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù để ứng dụng công nghệ cao cho công tác giống vật nuôi, nhập ngoại giống lợn cụ kỵ, ông bà chất lượng cao; tiếp tục xây dựng chương trình chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp đứng đầu của các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm…

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư. Sau 4 năm thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư theo Quyết định số 2801/QĐ-UBND ngày 17-6-2011 của TP Hà Nội, đến nay đã có 69 xã chăn nuôi trọng điểm, gồm 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; có 2.294 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư, trong đó có 802 trại chăn nuôi lợn, 2.208 trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; 33 trại chăn nuôi bò sữa, 61 trại chăn nuôi bò thịt. Quan hệ sản xuất trong chăn nuôi phát triển theo hướng hình thành các tổ chức trong chăn nuôi và hiện đã có 32 chi hội chăn nuôi, 11 hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp; gắn kết được người chăn nuôi với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết chăn nuôi.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.