Góc nhìn

Thiết thực đưa luật vào cuộc sống

Đình Hiệp 08/03/2024 - 07:16

Dù các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của huyện Ba Vì rất nỗ lực, song đến cuối năm 2023 vẫn còn khoảng 13.000 thửa đất của người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - "sổ đỏ".

Tương tự, tại huyện Mê Linh vẫn còn 8.314 thửa đất ở chưa được cấp "sổ đỏ", với diện tích 2.485.290m2; trong đó, đất do UBND xã, hợp tác xã, thôn giao trái thẩm quyền là 5.108 thửa, diện tích 1.349.569m2... Chưa hết, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức bị người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà kho, xưởng sản xuất...

Thực trạng nêu trên là điển hình cho những vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại nhiều địa phương của Hà Nội, đã được các cơ quan chức năng chỉ ra. Những bất cập này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác và chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai vẫn diễn biến phức tạp; đơn thư khiếu nại chiếm tỷ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước; nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm...

Vì thế, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập trên, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đáng chú ý, Luật Đất đai mới quy định cụ thể việc cấp “sổ đỏ” đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đến trước 1-7-2014.

Để triển khai hiệu quả đạo luật quan trọng này, giải quyết được những bất cập, hạn chế hiện nay, đồng thời huy động được tối đa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Mục tiêu quan trọng của Kế hoạch là tổ chức thi hành Luật Đất đai bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật.

Hướng đến mục tiêu trên, trước hết cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai. Trong đó, cần xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết được thực hiện thống nhất, đồng bộ, trên phạm vi cả nước, ngay khi Luật có hiệu lực.

Ở góc độ địa phương, Thủ đô Hà Nội cần sớm tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Việc Hà Nội cũng như các địa phương cần làm ngay là tập trung khắc phục những bất cập, giải quyết những khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai, để giảm bức xúc, tạo đồng thuận trong nhân dân. Quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khơi thông tối đa nguồn lực đất đai để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Làm được như vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai mới sớm đi vào cuộc sống, phát huy được nguồn lực để phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực đưa luật vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.