Để thực hiện mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại về ma túy, trước hết cần có “rào chắn” nhằm hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ ma túy thâm nhập vào đời sống cộng đồng. Xác định rõ điều này, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thiết lập mạng lưới “rào chắn” bằng nhiều hình thức.
“Rào chắn” đầu tiên và quan trọng nhất là thành phố luôn xác định công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng là nhiệm vụ quan trọng cần triển khai. Trên cơ sở đó, thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy phù hợp với từng năm, từng giai đoạn, làm căn cứ để các ngành, địa phương xây dựng phương án hành động cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù dân cư...
Năm 2023, ngoài những kế hoạch thực hiện hằng năm, UBND thành phố giao các bên liên quan triển khai hiệu quả dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm”. Theo đó, các sở, ngành, đơn vị chức năng có trách nhiệm phối hợp quản lý chặt chẽ những cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, không để tội phạm lợi dụng mua bán, tổ chức chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, không để hình thành các địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp về ma túy. Đối với những địa bàn phức tạp về ma túy đã được triệt phá trước đó, các bên cần có phương án giữ gìn, không để hoạt động trở lại. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tập trung mở những đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy...
Theo Công an thành phố Hà Nội, việc phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm trong thời gian qua mang lại những kết quả khả quan. Kết quả rõ nhất là hàng trăm vụ việc phức tạp về ma túy được phát hiện kịp thời, tội phạm về ma túy bị xử lý theo quy định, số lượng ma túy bị thu giữ không đến với “khách hàng”.
“Rào chắn” khác được các cơ quan chức năng thiết lập là tuyên truyền về tác hại của ma túy đến nhóm có nguy cơ cao là thanh, thiếu niên. Chẳng hạn, tại quận Ba Đình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lê Đức Thuận cho biết, ngành phối hợp với lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền về tác hại của ma túy, kỹ năng nhận biết những loại ma túy mới đến đông đảo học sinh trên địa bàn. Cùng với đó, một số nhà trường thành lập đội tình nguyện hoặc nhóm giáo viên phổ biến pháp luật. Mô hình trường học nói không với thuốc lá điện tử cũng được quận Ba Đình triển khai, thu hút 100% nhà trường tham gia... Cách làm của quận Ba Đình cũng được nhiều địa phương khác áp dụng.
Ở cấp cơ sở, các địa phương chú trọng xây dựng mạng lưới “rào chắn” phòng ngừa nguy cơ ma túy thâm nhập bắt đầu từ mỗi gia đình, rồi đến cộng đồng thông qua các mô hình: “Gia đình văn hóa”, “Gia đình không có tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội”, “Xã, phường không có tệ nạn xã hội”... Hiện, các mô hình này cơ bản phủ kín tại 100% xã, phường, thị trấn.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương, trú tại phường Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết: “Lắng nghe các cơ quan chức năng tuyên truyền nhiều lần, chúng tôi hiểu rõ tác hại của ma túy. Thế nên, chúng tôi cố gắng dành nhiều thời gian vun đắp tình cảm gia đình, tạo bầu không khí ấm áp yêu thương. Đây cũng là cách để những cái xấu bên ngoài xã hội ít có cơ hội len lỏi vào gia đình”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.