Theo tiến độ, Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) được thi công và hoàn thành trong thời gian từ năm 2010 đến 2013.
Thế nhưng đến nay, sau 15 năm, dự án vẫn chưa hoàn thiện. Sự chậm trễ này gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, đi lại của người dân, gây mất an toàn giao thông và lãng phí nguồn ngân sách.
Bất cứ ai đi trên quốc lộ 1A, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi đều cảm nhận sự mất an toàn khi lưu thông qua đây. Mặt đường bụi mù mịt, bên cạnh là công trình mở rộng đường của dự án đang thi công dở dang. Phần đường đang thi công được đào sâu xuống thấp hơn mặt đường khá nhiều, có chỗ nước đọng như ao, đất đá lổn nhổn.
Tại thời điểm đầu tháng 4-2025, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận thấy, máy móc thi công nằm rải rác, công trình bộn bề, dở dang.
Ông Nguyễn Văn Chiến, nhà ở mặt đường nhìn thẳng ra dự án cho biết: "Dự án thi công kéo dài khiến các gia đình ở đây như bị cô lập. Đường vào nhà phải san lấp, đắp bờ tạm để đi, rất chông chênh, nguy hiểm, nhất là vào buổi tối, nhiều người bị tai nạn khi đi qua đoạn công trường để vào nhà mình".
Cùng chung nỗi bức xúc, bà Trịnh Thị Yến, nhà cũng ở đoạn đường cạnh dự án nói: "Mưa thì đường xá úng nước do cống rãnh ứ đọng, nắng thì bụi đến nghẹt thở. Đây cũng là sự lãng phí lớn về tài nguyên do đường không được khai thác đúng mục đích, máy móc, thiết bị thi công hư hỏng".
Tìm hiểu thêm, phóng viên được biết Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2419/QĐ-UBND ngày 22-5-2009 do Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư. Ngày 19-7-2010, UBND thành phố chính thức ban hành Quyết định số 3553/QĐ-UBND phê duyệt dự án.
Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ do liên quan đến vấn đề đền bù đất, giải phóng mặt bằng. Theo Văn bản số 3443/KL-TTTP (P4) ngày 26-7-2019 của Thanh tra thành phố, diện tích đất phải thu hồi thực hiện dự án là 185.747m2 thuộc địa phận 4 xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Liên Ninh. Tổng số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất là 797 trường hợp (gồm 29 tổ chức, 768 hộ gia đình, cá nhân). Năm 2019, khoảng 53% diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng. Phần diện tích còn lại của dự án đang còn vướng mắc. Trong đó, từ năm 2016 đến 2019, UBND huyện Thanh Trì đã tiếp nhận 448 đơn kiến nghị, khiếu nại về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. UBND huyện đã giải quyết khiếu nại và có văn bản trả lời 442 đơn.
Trên thực tế, đến năm 2019, dự án đã hoàn thành thi công 1/2 mặt cắt tuyến trên các diện tích đã được giải phóng mặt bằng. Còn lại 1/2 tuyến đường chưa thể thực hiện thi công do còn 450 hộ dân có đất bị thu hồi gửi đơn kiến nghị, khiếu nại về bồi thường hỗ trợ. Nguyên nhân khiếu nại, kiến nghị của người dân được Thanh tra thành phố chỉ rõ tại Kết luận số 3443/KL-TTTP (P4) ngày 26-7-2019 là: Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 04/2005/QĐ-UB ngày 13-1-2005 phê duyệt chỉ giới đường đỏ quốc lộ 1A đã không xem xét cập nhật quy hoạch tuyến đường theo Quyết định số 239/CT ngày 16-9-1983 của Hội đồng Bộ trưởng dẫn đến quy hoạch tuyến đường có 3 đoạn mở rộng cục bộ 46m lên 50m đến 56m, không phù hợp với quy hoạch phê duyệt năm 1983.
Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó quốc lộ 1A, đoạn Giải Phóng - Ngọc Hồi - Vành đai 4 có chiều dài 13km, bề rộng mặt cắt ngang toàn tuyến là 46m, không có đoạn mở rộng cục bộ.
Với sự chênh lệch về chiều rộng đường của dự án, Thanh tra thành phố đã đề nghị UBND thành phố xem xét, chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương giải quyết vấn đề trên. Đặc biệt, UBND huyện Thanh Trì phải rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt 60 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa đúng quy định, đồng thời có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư điều chỉnh đối với các hộ này.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì Vũ Hoài Sơn cho biết, đến nay, dự án còn 9 hộ chưa giải phóng mặt bằng. Ngày 10-4-2025, huyện đã tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng 7 hộ, 2 hộ còn lại tiếp tục tuyên truyền, vận động, để bàn giao đất phục vụ dự án.
Dư luận nhân dân mong mỏi dự án sẽ sớm được khởi động lại và hoàn tất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh sống của người dân, tránh tình trạng thi công dở dang, hoang phí kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.