(HNM) - Gia đình luôn là hai tiếng thiêng liêng trong mỗi người dân Việt Nam. Dù đi đâu, làm gì, chúng ta luôn nhớ về quê hương, về những người thân yêu trong gia đình.
Trải qua thăng trầm của lịch sử và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc và các giá trị trong quan hệ gia đình Việt Nam đã có những thay đổi, nhưng về căn bản vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Mỗi gia đình Việt Nam đều có ý thức chung tay gìn giữ, vun đắp và phát huy lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, hiếu thuận, hiếu học; gìn giữ gia phong, gia đạo, gia huấn…
Giá trị thiêng liêng của gia đình luôn được minh chứng sinh động từ thực tế. Gần đây nhất, chúng ta đã chiến thắng đại dịch Covid-19 và có một phần đóng góp không nhỏ từ việc phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình. Trong lúc cao điểm chống dịch, người người, nhà nhà chung sức, đồng lòng để cùng nhau vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh. Những hình ảnh đẹp từ mỗi thành viên trong gia đình, rồi các gia đình giúp đỡ nhau, cùng “chia ngọt, sẻ bùi” trong lúc hoạn nạn do giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly phòng, chống dịch bệnh… đã nhân lên tính nhân văn, nhân nghĩa trong xã hội.
Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay càng ý nghĩa hơn khi chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh, cuộc sống đã, đang trở lại trạng thái bình thường. Vì thế, đây là dịp để mỗi người con hướng về “tổ ấm”, dành những cử chỉ, lời chúc và tình cảm ấm áp với bậc sinh thành và những người thân.
Gia đình là một tế bào của xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ tạo môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.
Để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, điều quan trọng nhất là ở bản thân mỗi thành viên trong gia đình. Muốn có được hạnh phúc, mỗi thành viên gia đình luôn phải tâm niệm về sự hòa thuận, sự sẻ chia trong công việc và các mối quan hệ hằng ngày. Phải nhận thức sâu sắc rằng, dù sống trong một ngôi nhà to đẹp nhưng thiếu tiếng cười, sự tin tưởng lẫn nhau thì cũng chưa phải là một gia đình hạnh phúc so với một gia đình dẫu nhà tranh vách lá nhưng các thành viên yêu thương, đùm bọc nhau, hòa thuận, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn.
Đặc biệt, trong bối cảnh đang có sự biến đổi mạnh mẽ về lối sống và tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa tổn hại đến các giá trị truyền thống của gia đình, thì vai trò của mỗi người càng quan trọng hơn bao giờ hết để làm cho gia đình thực sự là “tổ ấm”, là môi trường văn hóa lành mạnh của xã hội, là chốn mà chúng ta luôn muốn nương náu, tìm về.
Ở góc độ các cơ quan chức năng và địa phương, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình, phong trào, những cuộc vận động như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; toàn dân chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu; phòng, chống bạo lực gia đình… Qua đó, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam của thời đại mới, thích ứng, hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc; là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau tất cả, gia đình là điều quan trọng nhất. Gia đình chính là giá trị thiêng liêng, là cội nguồn của sức mạnh, của niềm tin và hạnh phúc cho mỗi chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.