(HNM) - Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề lao động có vai trò quan trọng, mang tính cấp thiết và lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Là một quốc gia ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, lao động Việt Nam cũng đang đứng trước những áp lực cạnh tranh không nhỏ so với khu vực.
Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, thời gian qua nhiều giải pháp cho vấn đề lao động - việc làm đã được các cấp, các ngành quan tâm nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Nhờ đó, thị trường lao động Việt Nam đã phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường. Cung lao động có chất lượng cao hơn trước; cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực; thu nhập của người lao động được cải thiện; năng suất và tính cạnh tranh của lực lượng lao động cũng tăng lên đáng kể.
Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, một lợi thế cạnh tranh mà không phải quốc gia nào cũng có được. Đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng!
Song, để chủ động thích ứng và hội nhập thành công thì vấn đề lao động của nước ta vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Mặc dù thời gian qua lực lượng lao động nước ta tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, nhưng chất lượng lao động còn thấp. Trong đó, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế thị trường. Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lao động kỹ thuật có trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp so với lao động trong khu vực.
Xu thế hội nhập và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ đang tác động không nhỏ đến thị trường lao động nước ta. Rõ ràng, thời kỳ nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài nữa.
Để chủ động thích ứng và hội nhập quốc tế, trước mắt thị trường lao động Việt Nam cần phát triển theo hướng hiện đại hóa và mang tính thị trường. Trong đó, cần sớm hoàn thiện các chính sách, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác đào tạo, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục các chính sách hỗ trợ lao động Việt Nam tìm kiếm thị trường và việc làm ngoài nước để nâng cao thu nhập và trình độ tay nghề.
Thời kỳ hội nhập đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người lao động Việt Nam, đòi hỏi nguồn nhân lực cũng phải có kỹ năng "mềm" ngoài kiến thức chuyên môn như: Khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, trình độ tin học, ngoại ngữ... Vì thế, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành là hết sức cần thiết. Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với khung trình độ quốc gia, trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, tư vấn để tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với toàn xã hội.
Hội nhập quốc tế cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh nguồn lực lao động tăng cao giữa các nước trong khu vực. Vì thế, cùng với các chính sách hỗ trợ trên, bản thân người lao động cần chuẩn bị tâm thế trở thành lao động toàn cầu, không phải chỉ làm việc ở Việt Nam, mà có thể làm việc ở bất kỳ đâu trong khu vực. Có như vậy, lao động Việt Nam mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.