Kinh tế

Thủ tướng: Hội nhập để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, song không phải bằng mọi giá

Theo TTXVN 08/04/2025 - 18:05

Chiều 8-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024.

Lê công bố được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

thutuong1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: TTXVN

Dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam.

FTA góp phần đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với thế giới

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến đầu năm 2025, có khoảng 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới.

Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Index) hằng năm trong cả nước nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; hỗ trợ địa phương đánh giá kết quả thực thi FTA theo chương trình hành động đã đề ra; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương.

Theo khảo sát và đánh giá kết quả thực hiện các FTA tại các địa phương được công bố, việc tiếp cận thông tin về các FTA của doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công nhất định về chiều rộng; các doanh nghiệp nắm được đầu mối ở cả trung ương và địa phương trong việc cung cấp thông tin về các FTA; các hình thức cung cấp thông tin FTA tại các địa phương khá đa dạng, tiếp cận được đến các doanh nghiệp, từ các sự kiện, hội nghị, hội thảo, tập huấn đến các tài liệu, cổng/trang thông tin điện tử.

Cùng với đó, khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật thực thi các FTA của doanh nghiệp được đảm bảo. Các doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng được các ưu đãi với các mức độ khác nhau phụ thuộc vào ngành hàng, vào địa phương và theo từng hiệp định. Các doanh nghiệp bước đầu nhận thức được các cam kết về phát triển bền vững, đặc biệt là các cam kết về lao động, cam kết về môi trường và đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc thực thi các cam kết này.

Tuy nhiên, mức độ quan tâm và dành các nguồn lực cho việc tìm hiểu và tận dụng các FTA của doanh nghiệp vẫn chưa thật sự cao. Công tác hướng dẫn hoặc tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về các văn bản pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết FTA của cơ quan quản lý nhà nước địa phương vẫn đang tập trung vào các cam kết liên quan đến quy tắc xuất xứ, biểu thuế ưu đãi, chưa chú trọng các cam kết sâu rộng hơn trong các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

Các biện pháp hiện hành vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; cần tiếp tục hoàn thiện và tăng cường các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ…

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi Hiệp định Thương mại tự do tại các địa phương (FTA Index) là một công cụ mới, mang tính định lượng và hệ thống, lần đầu tiên được xây dựng và thực hiện công bố dựa trên khảo sát thực tế doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, hướng đến việc cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương, góp phần tăng trưởng xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu bền vững.

thutuong2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cho biết, thực hiện công cuộc Đổi mới trong gần 40 năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Sau 80 năm giành độc lập, Việt Nam giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quyền được sống, quyền được tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân. Trong quá trình đó, Việt Nam trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức, từ đống đổ nát sau chiến tranh mà đến nay vẫn chưa khắc phục hết, chịu bao vây cấm vận thời gian dài, tiến hành công cuộc đổi mới gần như từ hai bàn tay trắng, với GDP chỉ khoảng 4 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 100 USD, gần 70% dân số là người nghèo… Với tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã vươn lên, giành nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, GDP của Việt Nam đạt 470 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tương đương 4.700 USD.

Việt Nam đã xác định, phải hội nhập để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, song hội nhập không phải bằng mọi giá, không phụ thuộc, mà phải trên cơ sở hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Trong đó xuất khẩu là động lực quan trọng, song không phải là động lực duy nhất; trong xuất khẩu thì không chỉ có một vài thị trường mà với tất cả các nước, đối tác trên thế giới.

Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, trong đó xác định hội nhập quốc tế là “hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế”, là động lực quan trọng giữ vững cục diện hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện, nguồn lực bên ngoài cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia.

Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế - đặc biệt là thông qua các FTA là một cánh cửa quan trọng kết nối Việt Nam với thế giới, đưa nền kinh tế tiến gần hơn tới các chuẩn toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục. Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam về tự do hóa thương mại, cạnh tranh công bằng và hướng tới phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai và thực thi hiệu quả các FTA không chỉ là để thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra, mà còn là động lực thúc đẩy cải cách trong nước, mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hội nhập kinh tế quốc tế và việc tham gia vào các FTA đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao, quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, thị trường xuất khẩu mở rộng, xuất khẩu tăng trưởng đều đặn qua các năm. Dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển.

fta-index.jpg
Các đại biểu dự Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do của các địa phương năm 2024. Ảnh: TTXVN

Cùng vượt qua thách thức trong thương mại thế giới

Bên cạnh những thành quả đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn nhiều nhiều khó khăn, vướng mắc, đặt ra nhiều thách thức mới như: Nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, thời cơ cũng như thách thức của việc tham gia các FTA, đặc biệt là ở cấp địa phương còn chưa thực sự tốt; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm còn yếu; việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa thực sự hiệu quả; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân, còn những hạn chế nhất định; hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết, Bộ chỉ số FTA Index là công cụ quan trọng giúp đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của địa phương, từ đó góp phần xây dựng cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá toàn diện điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình thực hiện FTA.

FTA Index cũng phản ánh hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Qua đó, các cơ quan có thể đưa ra chính sách phù hợp nhằm tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, nhất là khi các hiệp định ngày càng có phạm vi bao quát rộng và ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế. FTA Index đánh giá hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế tại địa phương và góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng, nhất là động lực xuất khẩu và đầu tư.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và thực hiện công bố FTA Index 2024 - lần đầu tiên xây dựng và thực hiện công bố bộ chỉ số quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc, nơi khát vọng thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động.

Việt Nam thúc đẩy phát triển nhanh, song phải bền vững; phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, trước mắt trong năm 2025 phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo. Theo đó, Việt Nam đang làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tập trung 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.

fta-index-1.jpg
Các đại biểu dự Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do của các địa phương năm 2024. Ảnh: TTXVN

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Trong đó, việc khai thác hiệu quả các FTA là con đường quan trọng để duy trì tăng trưởng và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để hoàn thiện công cụ này, phục vụ chiến lược kinh tế - thương mại lâu dài của đất nước.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết, nâng cao chất lượng thực thi cam kết quốc tế, mở rộng thị trường và ký kết thêm các FTA mới với đối tác tiềm năng; thực hiện đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng.

Cho rằng, bối cảnh tự do thương mại đang có những khó khăn, thách thức; để thực hiện Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; triển khai việc sắp xếp, tinh giảm tổ chức bộ máy; giảm sách nhiễu, phiền hà, chi phí tuân thủ; tái cấu trúc sản xuất và xuất khẩu theo hướng số hóa, xanh hóa; tăng trưởng nhanh, bền vững.

Mong muốn các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại thị trường, sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tập trung nghiên cứu các chính sách, làm công tác quy hoạch; đàm phán mở rộng thị trường; bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số quốc gia phù hợp; các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp với doanh nghiệp, các đại sứ quán để kết nối nền kinh tế nước ta với thế giới và doanh nghiệp.

Đề nghị bạn bè quốc tế tiếp tục hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình hội nhập, trong đó có thực hiện hiệu quả các FTA, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, với chiến lược bài bản, sự phối hợp chặt chẽ và công cụ hỗ trợ hiệu quả như Bộ chỉ số FTA Index, lợi ích từ các FTA sẽ được khai thác tối đa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững hơn, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn về hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

thutuong3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Bằng khen tặng các tỉnh, thành phố. Ảnh: TTXVN

* Tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao Bằng khen cho các tỉnh, thành phố đạt có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do năm 2024./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Hội nhập để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, song không phải bằng mọi giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.