Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thích nghi và chủ động dự báo

Đan Nhiễm| 14/11/2014 05:59

(HNM) - "15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình ảnh của người ở bên kia bán cầu. Vì thế, chúng ta sửa luật thì cần xem xét sự phát triển của truyền thông thế giới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy tại hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí được tổ chức ngày 12-11. Đây rõ ràng là một thử thách không nhỏ đối với việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).

Không khó để nhận thấy, 15 năm qua, Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 đã tạo hành lang pháp lý cho báo chí nước nhà phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra như: Sự bùng nổ của mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình; sự thay đổi xu hướng tiếp cận thông tin của người xem (nghe, đọc)..., cùng một loạt các vấn đề liên quan đến công tác quản lý báo chí đã cho thấy luật hiện hành cần sớm được sửa đổi. Và để báo chí nước nhà phát triển đúng hướng thì hai vấn đề: Tiếp cận thông tin từ các cơ quan chức năng và kinh tế báo chí được xem là mấu chốt.

Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng như Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí đã bộc lộ không ít hạn chế. Đó là phần đông người phát ngôn đều kiêm nhiệm, lại không có bộ máy giúp việc nên nhiều khi hiệu quả của công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa như mong muốn. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn mang tính hình thức... Bên cạnh đó, một số nhà báo đưa thông tin thiếu trung thực, khách quan; thậm chí bớt xén, sử dụng thông tin theo chủ đích riêng, làm sai lệch thông tin…

Dưới góc độ kinh tế báo chí, nhiều tòa soạn hiện nay không khác gì một doanh nghiệp. Tổng biên tập thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi như: Làm sao chi trả lương, thưởng, nhuận bút ở mức độ thu hút được các cây bút giỏi, nhà báo có tay nghề? Nhưng khó hơn báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính trị. Chưa kể những loại thuế các cơ quan báo chí đang phải "cõng" không thua kém doanh nghiệp là bao. Ngoài gánh nặng tài chính "tự thu, tự chi" để có nguồn thu để tự trang trải chi phí, nuôi sống bộ máy một cách đàng hoàng, các cơ quan báo chí còn phải tìm đường "lách qua khe cửa hẹp", thích nghi với sự phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin có bước tiến vũ bão. Nói gì thì nói, muốn phát triển, phải đầu tư cả về nhân lực và vật lực. Nếu vì chuyện "cơm, áo, gạo, tiền" nặng gánh, báo chí chính thống đến một lúc nào đó sẽ lỡ mất cơ hội theo kịp đà phát triển của xã hội, để lại trận địa cho các mạng xã hội.

Trong khi đó, cơn lốc báo điện tử đang trở thành "nỗi khiếp sợ" của báo in và một phần nào đó là cả lĩnh vực truyền hình. Một nghiên cứu của Hiệp hội Báo chí, xuất bản thế giới (WAN-IFRA) tiến hành tại Mỹ, Pháp và Đức cho thấy, số lượng người thường xuyên đọc tin trên các thiết bị điện tử giờ đã bằng số người đọc tin trên báo giấy. Và, chỉ một vài năm, số người đọc báo điện tử trên máy tính sẽ vượt số người đọc thông qua các thiết bị di động cầm tay.

Tóm lại, sự phát triển của báo chí, thông tin ngày càng cởi mở, đa chiều là một thực tế khách quan tác động không chỉ đối với báo chí nước nhà mà còn là câu chuyện chung của báo chí toàn thế giới. Thực tiễn đó đòi hỏi việc sửa đổi Luật Báo chí hiện hành theo hướng thích nghi và chủ động dự báo tình hình là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích nghi và chủ động dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.