Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thích nghi để thay đổi

Bài và ảnh: Linh Tâm| 03/10/2020 06:14

(HNMCT) - Dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế, nhưng du lịch là ngành chịu tổn thương nặng nề nhất. Với những “cú đánh” liên tiếp qua hai đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ vững. Ngành Du lịch đang đứng trước những thách thức mới, đòi hỏi phải thích nghi để thay đổi, có hướng đi chính xác, phù hợp để sớm vượt qua sóng gió.

Du khách tham quan Ninh Bình tăng trở lại sau chiến dịch kích cầu lần 1.

Bức tranh ảm đạm

Sau khi dịch Covid-19 đợt 1 bùng phát và được kiểm soát, ngành Du lịch đã tung ra chiến dịch kích cầu du lịch trên toàn quốc với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành. Có thể thấy những dấu hiệu khởi sắc khi lượng khách du lịch đến các địa phương tăng vọt. Các điểm đến, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn “ấm” lên nhờ lượng khách lấp đầy, thậm chí còn quá tải tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Phú Quốc...

Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát đợt 2 (từ ngày 25-7-2020) tại Đà Nẵng và một số địa phương khiến ngành Du lịch "hứng trọn". Nhiều doanh nghiệp không đủ sức trụ vững đã phải ngừng hoạt động. Các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi phải đóng cửa. Theo Tập đoàn Sun World, chỉ trong tháng 8, 9-2020, Tập đoàn này đã “mất” hơn 1 triệu lượt khách.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu du lịch lữ hành cả nước 8 tháng năm 2020 đã giảm 54,4% so với cùng kỳ (ước đạt 13.100 tỷ đồng), trong đó nhiều doanh nghiệp lớn như Sheraton Đà Nẵng, Vietravel hay Đầm Sen Park ghi nhận doanh thu quý II sụt giảm 70 - 80% so với cùng kỳ. Còn theo ước tính của ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO, các thành viên câu lạc bộ đang bị tồn đọng khoảng 200 tỷ đồng vào các hãng hàng không do khách du lịch hoàn, hủy vé sau khi dịch bùng phát đợt 2.

Bức tranh du lịch với gam màu ảm đạm còn được thể hiện qua những con số mà Sở Du lịch Hà Nội đưa ra mới đây. 9 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,72 triệu lượt, giảm 68,7% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, giảm 68,3%. Công suất sử dụng phòng trung bình ước đạt 28%, giảm 42,5% so với cùng kỳ. Cho tới ngày 31-8-2020, khoảng 950 cơ sở lưu trú đã phải tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, phân khúc khách sạn cao cấp 3 - 5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi... gặp khó khăn lớn do không có khách quốc tế lưu trú. Còn tại các điểm đến du lịch, lượng khách giảm 75 - 80% kể từ khi dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7-2020.

Tìm hướng trở lại

Ngay khi đợt dịch thứ 2 được kiểm soát, ngành Du lịch đã bắt tay ngay vào việc thực hiện chương trình kích cầu du lịch lần hai. Tại Hội nghị “Kích cầu du lịch - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo điện tử VnExpress tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã đánh giá: “Chiến dịch kích cầu du lịch lần một đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Đó là kinh nghiệm quý báu để chúng ta tiếp tục thực hiện chiến dịch kích cầu lần hai. Các địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn để thu hút khách, trước mắt ưu tiên cho dòng khách nội địa”.

Mặc dù chương trình kích cầu du lịch đợt 1 thành công nhờ yếu tố giảm giá ở mức kỷ lục đã lôi kéo du khách đến với các địa phương nhưng không thể lặp lại cách làm đó. “Các doanh nghiệp đã kiệt sức rồi. Nếu tiếp tục giảm giá nữa, các doanh nghiệp khó có thể trụ được. Chúng ta phải chủ động và xác định sẽ “sống chung với dịch”. Từ đó có biện pháp đối phó để dịch giảm là du lịch “bùng phát” ngay”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, chiến dịch kích cầu đợt 2 cần tập trung vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm phải mới lạ với giá cả phù hợp. “Các tỉnh, thành phố không nên rụt rè giảm phí tham quan 30 - 50% nữa mà phải miễn phí hoàn toàn vé tham quan để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và thu hút du khách tới các địa phương”, ông Vũ Thế Bình đề xuất.

Tạo diện mạo mới cho các sản phẩm đã cũ là xu hướng được ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng đưa ra. Theo ông Hùng, dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen du lịch của du khách. Nhân cơ hội này, các doanh nghiệp, địa phương ở khu vực phía Bắc cần nghĩ tới việc khắc phục hạn chế mùa thấp điểm, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với mùa đông chỉ có ở miền Bắc. Theo ông Hùng: “Thay vì thói quen đi du lịch vào 3 tháng hè, cần thu hút khách bằng các sản phẩm mùa đông đặc trưng của miền Bắc. Nếu thay đổi cách làm sẽ tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn, đặc biệt là đối tượng khách ở khu vực phía Nam”.

Trong “nguy” luôn có “cơ”, thách thức luôn tạo ra cơ hội cho những người biết nắm bắt. Ở khía cạnh nào đó, dịch Covid-19 đã buộc ngành Du lịch phải thích nghi để thay đổi. Đó sẽ là cú hích để du lịch Việt Nam trở lại vị thế của mình trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thích nghi để thay đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.