(HNMO) - Ngày 14-11, thị xã Sơn Tây trang trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, nguyên Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Nguyễn Quốc Duyệt; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh, năm 2010, thị xã Sơn Tây thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thách thức: Cả 6/6 xã chưa có quy hoạch sử dụng đất; chưa có quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển khu dân cư; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; các tiêu chí nông thôn mới đạt thấp (bình quân mỗi xã đạt từ 3-5 tiêu chí, kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao…).
Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, thị xã Sơn Tây đã đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, 6/6 xã đều đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% giao thông được cứng hóa; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 89,73% số người dân trên địa bàn thị xã tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của thị xã chỉ còn 0,3% (thấp hơn bình quân chung của thành phố là 0,42%; thu nhập bình quân đến hết năm 2019 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10%/năm...
Trong sản xuất nông nghiệp, thị xã đặc biệt coi trọng phát triển theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó, hình thành được 2 mô hình liên kết chuỗi trong chăn nuôi (tiêu thụ gà Mía và nuôi ong lấy mật); hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao...
Với những thành tích đã đạt được, thị xã Sơn Tây được Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi lễ, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng, biểu dương kết quả đạt được của thị xã Sơn Tây, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trong công tác xây dựng nông thôn mới; đồng thời nhấn mạnh, đây là kết quả đáng trân trọng, tự hào của thị xã Sơn Tây chào mừng thành công Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng bộ thị xã, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Cùng với đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị thị xã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả; phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương; triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) bảo đảm yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, thị xã cần quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng giá trị đạt cao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế; chú trọng gìn giữ và phát triển kinh tế làng nghề; tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Đến thời điểm này, thị xã Sơn Tây là đơn vị thứ 7 của thành phố Hà Nội được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đây là niềm tự hào và vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây và Thủ đô Hà Nội.
Tại buổi lễ, Thị ủy Sơn Tây đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, đến nay toàn thành phố có 355/382 xã (trước đây có 386 xã, do đã sáp nhập thành 382 xã) và 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Quốc Oai) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Dự kiến, đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ có 371/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.