Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường trong nước: Cung đang vượt cầu

Thanh Mai| 31/05/2013 06:19

(HNM) - Các ngành hàng đều trong tình trạng cung vượt cầu. Điều đáng lo ngại là dự báo tình trạng tiêu thụ lúa gạo khó khăn sẽ lại tái diễn...

Tiêu thụ lúa gạo được dự báo sẽ khó khăn khi không có đầu ra. Ảnh: Minh Thành


Tình trạng cung vượt cầu

Đại diện các hiệp hội ngành hàng đều phản ánh tình hình khó khăn. Hiệp hội Thép cho biết, tháng 5 sản lượng thép xây dựng giảm 8,2%, tiêu thụ giảm 9,5% so với tháng trước. Đã vào mùa xây dựng nhưng nhu cầu vẫn rất thấp. Hiệp hội khuyến khích các DN tự xác định thị phần của mình để điều tiết sản xuất. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như giảm thuế thu nhập DN, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ chuyển dự án nhà cao cấp thành nhà xã hội và cho người thu nhập thấp... nhưng cũng như các DN ngành thép, đến nay các DN sản xuất xi măng vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, mặc dù tồn kho không quá cao vì các DN tự điều tiết. Nguyên nhân là những năm qua, đầu tư vào xi măng quá ồ ạt, cung vượt cầu, khả năng sản xuất là 70 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ khoảng hơn 40 triệu tấn nên một số nhà máy đã dừng sản xuất. Hiện có khoảng 50% DN có lãi thấp, 30% DN hòa vốn, còn 20% lỗ trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Hiệp hội các nhà bán lẻ cho biết, các thành viên hiệp hội đã cố gắng hết sức bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu... tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng vẫn không tăng nhiều.

Để "phá băng" thị trường bất động sản, kích thích các ngành sản xuất khác, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02. Theo đó, từ ngày 1-6, có 30.000 tỷ đồng sẽ được "bơm" ra thị trường với lãi suất ưu đãi hỗ trợ cho các đối tượng mua nhà ở xã hội, các DN đầu tư dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để tháo gỡ nợ xấu. Từ ngày 9-7-2013 nợ xấu sẽ từ ngân hàng thương mại chuyển sang VAMC. Khi ngân hàng chuyển nợ xấu về VAMC thì DN có thể tiếp tục được vay vốn. Tuy nhiên, DN được vay vốn thì nợ xấu phải có tài sản bảo đảm và tài sản này phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.

Gạo và đường đều thiếu "đầu ra"

Còn khoảng một tháng nữa mới tới thời điểm thu hoạch chính vụ lúa hè - thu, tuy nhiên đã có nhiều địa phương bước vào mùa gặt sớm. Điều đáng lo ngại là dự báo tình trạng tiêu thụ lúa gạo khó khăn sẽ lại tái diễn khi giá lúa đang có xu hướng hạ và doanh nghiệp hạn chế mua vào do thiếu đầu ra.

Giữa tháng 5-2013, Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa kế hoạch và mua thóc định hướng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vụ hè thu 2013 với giá vào khoảng 3.283-4.816 đồng/kg; mức giá bình quân là 4.142 đồng/kg. Về giá mua định hướng, Bộ Tài chính đề xuất các cơ quan có thẩm quyền, các DN, cá nhân mua lúa với giá định hướng bảo đảm mức lãi tối thiểu cho người sản xuất. Đã có khoảng 200.000ha lúa được thu hoạch sớm tại nhiều địa phương như Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng… nhưng giá bán tại ruộng khá thấp, chỉ 4.100-4.300 đồng/kg (Long An), 4.500 đồng/kg (Đồng Tháp), thấp hơn giá vụ đông xuân trước đó 200-400 đồng/kg. Mức giá này không bảo đảm lợi nhuận 30% cho nông dân, thậm chí những hộ trồng lúa đạt năng suất thấp còn lỗ. Dự kiến, vụ hè thu năm nay sản lượng lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt hơn 9,3 triệu tấn, tương đương khoảng 4,6 triệu tấn gạo. Với mức giá đầu mùa xuống thấp như hiện nay thì nhiều khả năng giá lúa còn giảm sâu khi vào chính vụ do các DN xuất khẩu gạo gặp khó trong bán hàng. Đến thời điểm này, việc thu mua tạm trữ lúa vẫn chưa chính thức thuộc về đầu mối nào. Được biết, sắp tới sẽ có hơn 3,1 triệu tấn gạo hàng hóa được thu hoạch rộ vào tháng 7 và 8, cộng với lượng gạo tồn kho tại các DN là 2 triệu tấn, trong khi đơn hàng của những tháng tới chỉ trên 2 triệu tấn. Để bảo đảm tiêu thụ lúa cho nông dân, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch thu mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa), trong khoảng thời gian 60 ngày, kể từ ngày 15-6 đến ngày 15-8-2013. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã kiến nghị phải tăng chỉ tiêu tạm trữ vụ hè thu lên 1,5 triệu tấn gạo, tương đương 3 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam lại cho rằng, lượng gạo tồn kho tại các DN còn nhiều nên việc tăng chỉ tiêu tạm trữ sẽ gây khó khăn cho DN xuất khẩu gạo. Hiện nay, nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ cũng dự trữ lượng gạo khá lớn, khi họ mở kho xuất khẩu ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đến nay hầu như các nhà máy mía đường của Việt Nam đã ngưng hoạt động, vì đã hết vụ mía 2012-2013 và sản lượng đường vào khoảng 1,55 triệu tấn, tăng hơn kế hoạch dự kiến khoảng 50.000 tấn mà Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đưa ra từ đầu vụ và tăng hơn 300.000 tấn so với vụ trước. Theo VSSA, hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy và DN thương mại vào khoảng 600.000 tấn và với mức tiêu thụ bình quân mỗi tháng vào khoảng 100.000 tấn thì đến vụ mía mới (vào đầu tháng 10-2013) sẽ có khoảng 200.000 tấn đường còn tồn kho, đó là chưa kể lượng đường nhập lậu từ Thái Lan. Để hỗ trợ giá đường, cách đây hơn hai tháng, Bộ Công thương đã cho phép xuất khẩu khoảng 200.000 tấn đường. Tuy nhiên, tính đến nay, theo thống kê của VSSA thì lượng đường xuất khẩu mới khoảng 41.000 tấn. VSSA cho biết, do giá đường bán tại nhà máy chỉ ở mức khoảng 14.000 đồng/kg, nên hầu như các nhà máy mía đường ở các khu vực trong vụ mía 2012-2013 đều thua lỗ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường trong nước: Cung đang vượt cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.