Tối 12-12, tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Lễ khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 với chủ đề: Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam.
Festival diễn ra từ ngày 12 đến 15-12-2023, được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững, gắn với Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đồng thời, đây là dịp mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo, tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia; là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, 2023 là năm có những thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức. Có thể nói, đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy được tăng trưởng, đặc biệt, xuất khẩu gạo có thể đạt 8 triệu tấn trong năm 2023, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực thế giới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm của Việt Nam. Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng, triển khai kế hoạch 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu, xây dựng nền nông nghiệp phát thải thấp.
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, từ nhiều thập niên trước, "chạy gạo từng bữa" là nỗi lo toan thường nhật, nhưng giờ đây, cây lúa đã mở đường lớn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu về sản lượng và chất lượng. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của người nông dân, nhà khoa học, thương lái, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp - những người gắn bó với cây lúa quê hương, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, thị trường, xu thế tiêu dùng, chuỗi ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp, bền vững, không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo ra hệ sinh thái ổn định.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quyền lợi, trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu. Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật đồng bộ dựa trên sự tiếp nối kinh nghiệm từ tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện để hướng tới những cánh đồng phát thải thấp.
Bộ trưởng khẳng định, xây dựng nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người, môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, sự cam kết của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Festival có các hoạt động triển lãm gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất lúa; triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam” tại kè kênh xáng Xà No; hoạt động trình diễn máy móc, thiết bị bay (phun thuốc, gieo sạ) để canh tác lúa gạo; trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm; mô hình canh tác lúa thông minh.
Trong khuôn khổ Festival còn diễn ra các hội nghị, hội thảo về đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi, Hợp tác Nam - Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo.
Các hoạt động tại Festival sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, công nghệ mới, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng; từ đó, tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.