Ngày 13-12, tại Hậu Giang, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo quốc tế: Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới.
Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngành hàng lúa gạo đóng vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung Đông, châu Phi…
Hiện nay, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo, phần nào ảnh hưởng đến giá gạo tại thị trường trong nước.
Trước mắt, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai nhiều đề án liên quan tới sản xuất lúa gạo như: Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, mỗi năm, Việt Nam dư khoảng 13-14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.
“Các bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam thêm động lực xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho nông dân. Tuy nhiên, để nâng cao thương hiệu của gạo Việt Nam, bên cạnh việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là khối doanh nghiệp phải xác định chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết thêm.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng El Nino trong năm 2024 góp phần làm thị trường lúa gạo khó đoán định. Tuy nhiên, giá gạo hiện ngày càng tăng nên đây sẽ là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chính sách giúp nông dân linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đối tượng canh tác. Do đó, nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ/năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Việc này không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn chia sẻ với nhiều quốc gia trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.