(HNMO) - Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều mẫu xe tại Việt Nam đã thông báo tăng giá, trong bối cảnh nguồn cung vẫn gặp nhiều khó khăn trên quy mô toàn cầu.
Mới nhất, hệ thống đại lý Toyota dự kiến sẽ áp dụng mức giá mới từ ngày 1-5 tới, với mức tăng tùy thuộc vào từng mẫu xe. Trong đó, thấp nhất là Vios (tăng 5 triệu đồng) và cao nhất là Land Cruiser và Alphard (tăng 40 triệu đồng).
Mẫu xe ăn khách Toyota Corolla Cross tăng 16 triệu đồng trong khi “hàng nóng” Toyota Raize cũng tăng tới 20 triệu đồng. Đây cũng là lần thứ hai Corolla Cross tăng giá kể từ đầu năm tới nay.
Bên cạnh Toyota, “đồng hương” Suzuki cũng đã điều chỉnh, tăng giá bán một số dòng xe. Giá của Ertiga, Swift, Ciaz, đều tăng thêm từ 5,9 đến 10 triệu đồng.
Trước đó, Ford cũng đã tăng giá của Everest và Ranger khoảng 12 triệu đồng, viện lý do nguồn cung phụ tùng bị khan hiếm.
Về phần mình, Mercedes-Benz cũng đã tăng giá một số mẫu GLC, GLS, cao nhất khoảng 70 triệu đồng, song song điều chỉnh tùy chọn.
Ở thị trường xe máy, Honda đã thông báo tăng giá hầu như tất cả sản phẩm từ tháng 4-2022, với lý do giá linh kiện đầu vào tăng. Mức tăng ít nhất là xe tay ga Lead, chỉ từ 500.000 đến 600.000 đồng, trong khi cao nhất là SH 150 và SH 300i, khoảng 2 - 3,7 triệu đồng tùy phiên bản. Mẫu SH Mode cũng tăng từ 1,4 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng. Giá các dòng môtô của thương hiệu Nhật Bản này đều tăng ở các mức khác nhau.
Các thương hiệu nói trên không phải là những cái tên duy nhất rục rịch tăng giá. Thực tế, qua các trao đổi, hầu hết các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô - xe máy đều đang cân nhắc việc điều chỉnh giá bán, viện lý do biến động kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường nguyên vật liệu, dẫn đến đội giá nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, chi phí vận tải tăng cao khiến sức ép tài chính ngày càng lớn. Hệ quả là, việc tăng giá xe bán ra để bù đắp chi phí đầu vào ngày càng khó tránh.
Diễn biến ở thị trường trong nước cũng tương đồng với thế giới. Những vấn đề về nguồn cung thực tế đã khiến các nhà sản xuất ô tô điêu đứng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế gần đây tuy là tín hiệu đáng mừng, nhưng lại khiến nhu cầu ô tô bất ngờ vượt xa nguồn cung.
Hơn thế nữa, chiến sự bùng nổ tại Ukraine, dịch bệnh khiến Thâm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc) bị phong tỏa… đã khiến các dây chuyền lắp ráp xe khắp thế giới trở nên đình trệ, bởi những khu vực này đều là nguồn cung vật tư ô tô quan trọng.
Thực tế trên kết hợp với lạm phát tăng cao đã dẫn tới việc giá xe tăng vọt. Theo trang Edmunds, giá trung bình của một chiếc xe mới trong tháng 2-2022 tại Mỹ đã tăng 13% so với một năm trước đó. Các nhà phân tích tại S&P Global cho rằng, giá xe vẫn sẽ ở mức cao trong năm 2023.
Điều đáng ngại hơn là giới kinh doanh ô tô trong nước dự báo, thị trường Việt Nam mới chịu những ảnh hưởng ban đầu từ diễn biến toàn cầu, do đó, tình trạng còn có thể trở nên xấu hơn trong nửa sau năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.