Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường lao động, việc làm khởi sắc: Đừng sớm hài lòng!

Minh Ngọc| 28/12/2017 06:30

(HNM) - Ngày 27-12, tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định, thị trường lao động, việc làm đang khởi sắc.


Những tín hiệu vui

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2017, thị trường lao động, việc làm của nước ta phát triển tương đối nhanh và ổn định. Lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chuyển dịch dần sang khu vực chính thức, kéo theo số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng. Số lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động xã hội chiếm tỷ lệ khá cao với hơn 76%; tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm còn 2,21%, thuộc loại thấp trong khu vực; lao động thiếu việc làm giảm dần. Khoảng cách về thu nhập giữa lao động nam và nữ, giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam.
Ảnh: Sơn Hà


Tín hiệu lạc quan của thị trường lao động, việc làm thể hiện khá rõ nét, khi tốc độ chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông - lâm - thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ diễn ra khá nhanh. Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% lao động xã hội, cơ bản đạt mục tiêu giảm lao động nông nghiệp xuống dưới 40% trong giai đoạn 2015-2020. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực đã bổ sung cho thị trường khoảng 700.000 việc làm mới/năm thuộc các ngành Xây dựng, Bán lẻ, Dịch vụ,…

Số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục tăng. Năm 2017, cả nước đưa hơn 130.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Lực lượng lao động này vừa mang về nước nguồn lực tài chính, vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc.

Dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,28%/năm, tức là mỗi năm thị trường sẽ được bổ sung khoảng 728.000 lao động. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người vào năm 2017, lên 62 triệu người vào 2025. “Trong tiến trình hội nhập và trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, lực lượng lao động dồi dào chính là cơ hội vàng để nước ta phát triển nhanh, toàn diện và bền vững” - ông Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động, việc làm tồn tại không ít bất cập, hạn chế. Điển hình là số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn rất cao. Hiện tại, cả nước có 237.000 người có trình độ từ đại học trở lên và gần 85.000 người có trình độ cao đẳng đang thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên là 7,59%, tương đương với hơn 610.000 người độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ăn không ngồi rồi. Tình trạng thiếu việc làm chưa được khắc phục ở nhóm lao động nông thôn, trong ngành nông - lâm - thủy sản.

Đáng lo hơn, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng hàng vạn lao động bị sa thải sau tuổi 35. Đa số lao động bị sa thải hoặc mất việc đều muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần, chưa quan tâm đến việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm khác để có thể quay lại thị trường lao động. Theo nhiều chuyên gia, nếu những hạn chế, bất cập nêu trên không sớm được khắc phục thì lực lượng lao động dồi dào chưa chắc đã tạo đà cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, ngược lại, có thể trở thành gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội.

Để thúc đẩy thị trường lao động, việc làm phát triển theo quy luật cân đối cung - cầu, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho tiến trình hội nhập, phát triển, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn công tác dự báo nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng đào tạo “thừa thầy, thiếu thợ” hay ngành cần thì không có, ngành có lại không cần. Công tác hướng nghiệp cho học sinh cần được thực hiện sớm, bám sát nhu cầu của thị trường để tư vấn, định hướng. Các cá nhân, gia đình cần chủ động, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn ngành học, không nhất thiết phải học đại học bằng mọi giá…

Với vai trò quản lý nhà nước về lao động, việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch lao động khu vực phi chính thức sang chính thức; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động; từng bước hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp… Trước mắt, Bộ sẽ yêu cầu hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm của các tỉnh, thành phố tăng cường kết nối, trao đổi, cung cấp thông tin đa chiều về thị trường lao động.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho đất nước hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Để thích ứng với sự phát triển, không có cách nào tốt hơn là mỗi người, mỗi ngành phải chủ động nắm bắt cơ hội, chủ động lao động, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, từng bước làm chủ khoa học - công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường lao động, việc làm khởi sắc: Đừng sớm hài lòng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.