(HNM) - Năm 2019, nhiều nước nới lỏng điều kiện để đón lao động nước ngoài sang làm việc nhưng bên cạnh thuận lợi là không ít thách thức...
Một lớp đào tạo lao động sang làm việc tại Nhật Bản. |
Tiếp đà khởi sắc
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2018, cả nước đưa hơn 142.000 người đi làm việc ở nước ngoài, vượt 30% kế hoạch. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, hoạt động xuất khẩu lao động giữ đà tăng, vượt mốc 100.000 người.
Đáng chú ý, lao động Việt Nam vẫn hấp dẫn các thị trường truyền thống và có xu hướng mở rộng sang những thị trường mới. Trong đó, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc, với hơn 68.000 người sang làm việc, tăng 12.000 người so với năm 2017. Đứng thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc), với hơn 60.000 người; tiếp đến là Hàn Quốc và Malaysia…
Năm 2019, cơ hội cho lao động Việt Nam tiếp tục rộng mở. Trong đó, thị trường lớn nhất là Nhật Bản đã nới lỏng một số chính sách để thu hút lao động nước ngoài vào làm việc. Theo Luật Quản lý xuất nhập cảnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua, bắt đầu từ tháng 4-2019, Nhật Bản tiếp nhận ít nhất 345.000 lao động nước ngoài ở các ngành, nghề mà Việt Nam có thế mạnh, như: Nông nghiệp, điều dưỡng, chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, đánh cá, chế tạo máy... Đối tượng tiếp nhận là người lao động thuộc nhiều trình độ, không còn hạn chế trong nhóm thực tập sinh đi thực tập kỹ năng.
Chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài tại thị trường Đài Loan cũng cởi mở hơn. Trước đây, lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan, hết 3 năm hợp đồng phải quay về nước gia hạn, mới có cơ hội ở lại thị trường này thêm 2 năm. Hiện nay, Luật Dịch vụ việc làm (sửa đổi) của Đài Loan cho phép lao động nước ngoài gia hạn hợp đồng tại chỗ với thời gian có thể kéo dài 12-14 năm. Đây là cơ hội tốt cho hơn 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan và những người muốn làm việc tại thị trường này trong tương lai.
Thị trường lớn khác là Hàn Quốc chưa tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài như Đài Loan hay Nhật Bản, song nước ta và nước bạn đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) giai đoạn 2018-2020 về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Việc ký kết MOU lần thứ 6 sớm hơn dự kiến là minh chứng rõ nhất để khẳng định lao động Việt Nam vẫn hấp dẫn thị trường Hàn Quốc và ngược lại.
Ngoài ra, một số thị trường châu Âu đã bước đầu mời Việt Nam hợp tác về lĩnh vực y tế, điều dưỡng... Qua đó có thể nhận thấy, hoạt động xuất khẩu lao động đang dịch chuyển sang những thị trường chất lượng, hiệu quả, có mối quan hệ lâu dài, bền chặt với Việt Nam.
Tín hiệu tích cực của hoạt động xuất khẩu lao động còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác, như thu nhập của người lao động tại nước ngoài ngày càng tăng, nguồn tiền gửi về nước nhiều hơn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho không ít gia đình, địa phương.
Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vào những ngày cuối năm 2018, anh Nguyễn Tiến Đạt, thôn Yên Xá, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cho hay, trở về nước đầu năm 2018 sau 5 năm đi làm việc tại Hàn Quốc, anh tích lũy được số vốn kha khá để sửa sang nhà ở, mở cửa hàng cho người thân kinh doanh. Bản thân anh được một số doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc tuyển vào làm việc, nhưng anh muốn tìm công việc tốt hơn.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng dạy nghề giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp ở thị trường lao động nước ngoài. Ảnh: Sơn Hà |
Bên cạnh yếu tố tích cực, thị trường lao động ngoài nước rộng mở đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Trong đó, khó khăn nhất là làm thế nào để lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ phía đối tác. Theo ông Tống Hải Nam, khi Luật Quản lý xuất nhập cảnh (sửa đổi) của Nhật Bản có hiệu lực, chắc chắn thị trường này cần rất nhiều lao động có kỹ năng đặc biệt, lao động kỹ thuật cao, đã có một số năm kinh nghiệm.
Các thị trường không đòi hỏi khắt khe về tiêu chí tuyển dụng cũng khó tuyển được nguồn lao động dồi dào. Bởi, nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, trung bình mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động và 400.000 người ra khỏi tuổi lao động.
“Với 800.000 người bổ sung cho lực lượng lao động/năm, nước ta không còn dôi dư nhiều lao động để xuất khẩu. Do đó, mục đích hướng tới của hoạt động này không phải là số lượng, mà quan trọng là chất lượng. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng, trở về phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội nhấn mạnh.
Diễn biến của những thị trường lao động lớn trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… cho thấy, ra nước ngoài làm việc không còn là ưu tiên của người lao động khi họ dễ dàng tìm được việc làm tại chỗ. Ở Hà Nội, năm 2018, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 190.179 người, nhưng chỉ có 3.250 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bằng 1,7%). Các thành phố lớn khác cũng có số lao động xuất khẩu giảm dần.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt mô hình gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu thị trường việc làm trong nước và xuất khẩu lao động trên phạm vi rộng.
Cùng với đó, các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động xuất khẩu về nước. Những khoảng trống về pháp lý trong lĩnh vực này cũng được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng mức phạt, để đủ sức răn đe…
Có thể nói, năm 2019, thị trường lao động ngoài nước rộng mở vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với người lao động Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều cam kết về lao động đã chính thức có hiệu lực.
Do đó, ngay từ bây giờ, người lao động, các cơ quan quản lý và đối tác tuyển dụng lao động phải cộng đồng trách nhiệm mới có thể biến những thách thức trở thành cơ hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.