(HNM) - Tình trạng bát nháo trong hoạt động kinh doanh gas đang khiến người sử dụng thực sự lo ngại trước nguy cơ cháy nổ từ những bình gas
Các đại lý và người tiêu dùng cần thận trọng kiểm tra các dấu hiệu bất thường từ vỏ bình gas trước khi nhận hàng. Ảnh: Bá Hoạt |
“Thẩm mỹ viện - cắt tai, mài vỏ”
Thực ra, chuyện chiếm dụng vỏ bình gas đã diễn ra từ lâu và hiện nay, những mánh lới, thủ đoạn vi phạm để trục lợi trên thị trường vẫn không mấy thay đổi. Người tiêu dùng vẫn luôn bị động trước những chiêu thức vi phạm của những cơ sở kinh doanh gas bất chính. Thông thường khi hết gas, chủ nhà sẽ gọi điện cho một cơ sở cung ứng gas mang đến. Phần lớn các trường hợp đều không cân kiểm tra lại trọng lượng của bình gas, tức là người mua luôn có nguy cơ chịu thiệt - không nhận được đủ lượng gas tương xứng.
Thực tế cũng cho thấy, phần lớn người tiêu dùng chỉ quan tâm đến tên, nhãn hiệu của bình gas, để biết gas của hãng nào và trọng lượng bình là bao nhiêu. Có lẽ cũng chính vì thế mà những đối tượng vi phạm đều tập trung vào yếu tố này để trục lợi. Từ đó, nảy sinh hiện tượng thu gom, chiếm dụng bình gas của các hãng nổi tiếng hoặc thu gom bình trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sau đó cải biến rồi bơm gas vào. Công việc này cụ thể là "cắt tai, mài vỏ", thay quai xách, thay đổi màu sơn rồi “vẽ” thương hiệu và lôgô trước khi quay vòng đến với khách hàng. Có thể nói đây là một công nghệ, có tính chuyên nghiệp không khác gì “thẩm mỹ viện”. Tất nhiên, khó lòng thống kê được hết số lượng bình gas từng bị “phẫu thuật thẩm mỹ” để trục lợi theo cách này. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn nghiêm túc cũng trở thành nạn nhân…
Mới đây, Hiệp hội Gas Hà Nội đã có đơn gửi tới Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) về việc hàng chục nghìn bình gas của các đơn vị thành viên đã “ra đi không trở về”, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp. Hiệp hội này nhấn mạnh nguyên tắc, gas trong các bình phải được chiết nạp đúng quy trình kỹ thuật, nhất là phải bảo đảm chất lượng gas từ đầu vào. Các doanh nghiệp chân chính rất lo ngại về chất lượng gas cung ứng đến tay người tiêu dùng có thể là gas chất lượng thấp, không rõ xuất xứ, lại được nạp tùy tiện. Hậu quả nhãn tiền là gây thiệt hại về giá, chất lượng sử dụng cũng như đe dọa sự an toàn đối với người dùng. Còn doanh nghiệp chân chính thì bị chiếm đoạt uy tín, nhãn hiệu bao năm dày công xây dựng.
Đại diện nhãn hiệu Hồng Hà Gas cho biết, chi phí để sản xuất một bình gas ít nhất là 500 nghìn đồng, trong đó phần làm thân bình và van chiếm tới 80% tổng giá thành. Như vậy, với lối gian lận kể trên, đối tượng chiếm dụng sẽ chiếm được 80% giá trị này.
Phối hợp tìm giải pháp
Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hàng trăm bình gas sang chiết trái phép tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) vào tháng 3-2017. Ảnh: Tiểu Thiên |
Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam nhận định, hành vi chiếm dụng, thay đổi hình dạng ban đầu bình gas của công ty khác là sai trái, cần xử lý nhằm bảo vệ doanh nghiệp chân chính cũng như quyền lợi người tiêu dùng. Các đơn vị kinh doanh gas uy tín cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình. Đơn cử, Công ty Gas Petrolimex đã thực hiện dán tem chống hàng giả đối với sản phẩm bán ra trên toàn quốc. Đến nay, một số đơn vị kinh danh gas thường xuyên tìm hiểu, theo dõi và tìm cách chứng minh bình gas thật và bình giả khác nhau thế nào, rồi thông báo cho cơ quan chức năng biết; đặc biệt là cảnh báo người tiêu dùng về việc bình giả không bảo đảm chất lượng là nguyên nhân có thể gây cháy nổ bất ngờ.
Trong cuộc họp về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh dầu mỏ, khí hóa lỏng (LPG) diễn ra ngày 4-10 vừa qua, ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tới đây, việc giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh gas sẽ chú trọng vào thanh tra, kiểm tra đột xuất để sớm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, đối với các Chi cục Quản lý thị trường, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 13 về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG; phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra các trạm chiết nạp LPG trái phép, các điểm kinh doanh chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi vi phạm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn cháy nổ thì xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước giấy chứng nhận...
Về phía người tiêu dùng, trước tình trạng bát nháo trong hoạt động kinh doanh gas hiện nay, trước khi mua hàng cũng cần tìm hiểu thông tin để mua được đúng hàng có chất lượng, đúng xuất xứ. Khi có dấu hiệu bất thường từ vỏ bình hay trọng lượng không đủ phải kiên quyết từ chối nhận hàng...
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, gần đây rộ lên tình trạng các doanh nghiệp gas bức xúc vì bị chiếm dụng vỏ bình. Chi cục đang phối hợp với công an trong điều tra, giám định, làm rõ và đưa ra kết luận trong thời gian tới. Chi cục cũng tăng cường quản lý, thực hiện kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng gas nhằm kiểm soát tình hình, giảm tối đa mức độ vi phạm nói chung. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.