Bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn ước tính có thể mang về cho nhà nước gần 10 tỉ USD, đồng thời sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty cổ phần bia rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco)... ước tính có thể mang về cho nhà nước gần 10 tỉ USD, đồng thời sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Nhà đầu tư hào hứng chờ đón thêm nhiều cổ phiếu của các “ông lớn” ra sàn |
Cơ hội hút dòng vốn lớn
Hầu hết các chuyên gia tài chính lẫn các công ty chứng khoán đều cho rằng đây là thông tin tích cực nhất cho thị trường. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, việc nhà nước bán cổ phần tại các doanh nghiệp (DN) lớn sẽ khiến cho thị trường mở rộng về quy mô, bởi trong đó đã có nhiều DN đang niêm yết trên sàn. Ví dụ Vinamilk, tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đã được cổ đông biểu quyết nâng lên với mức tối đa có thể 100% thay vì chỉ ở mức 49% như trước. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT) ngoại tham gia mạnh hơn vì Vinamilk luôn được đánh giá là cổ phiếu tốt, hấp dẫn trên thị trường. Không chỉ thế, hình ảnh, uy tín của thị trường sẽ được nâng cao hơn nhiều trong mắt khối ngoại khi nhiều DN thật sự chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân. “Việc bán ra lượng lớn cổ phần ở các DN lớn sẽ thu hút thêm nhiều quỹ đầu tư ngoại, nguồn vốn từ những tập đoàn nước ngoài thông qua việc muốn sở hữu ở các DN đang dẫn đầu trong ngành bia, sữa, nhựa... để đặt chân vào thị trường VN", ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, nhận định đây là thông tin rất tốt cho thị trường chứng khoán (TTCK) khi hàng hóa có chất lượng sẽ được tăng thêm. Quan trọng nhất là VN có cơ hội thu hút thêm những quỹ đầu tư lớn từ nước ngoài tham gia vào TTCK và làm tăng quy mô của thị trường. Đó cũng là một trong những mục tiêu để nâng hạng TTCK mà VN đang hướng đến.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhấn mạnh việc thực hiện thoái vốn ở các DN lớn sẽ tác động đến thanh khoản cho thị trường. Bởi khi số lượng cổ phẩn từ nhà nước chuyển sang các NĐT tư nhân thì đồng nghĩa với hoạt động giao dịch trên sàn sẽ gia tăng chứ không đóng băng như hiện nay. “Từ khối lượng giao dịch mua bán hằng ngày được gia tăng, tạo nên thanh khoản của thị trường khá tốt và từ đó quy mô giao dịch của TTCK cũng được tăng đáng kể. Tôi nghĩ rằng nếu thực sự làm tốt việc thoái vốn nêu trên, sẽ tạo ra những cơn sóng mạnh hơn cho TTCK”, TS Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
Cần lộ trình cụ thể, minh bạch
Có nhiều ý kiến từ cả một số cơ quan quản lý nhà nước lẫn các NĐT khi cho rằng việc bán hết số cổ phần tại các DN lớn sẽ khiến TTCK bị “bội thực”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, thị trường hiện nay không lo thiếu người mua. Như Sabeco thời gian qua có đến 8 NĐT ngoại đánh tiếng muốn mua và đó đều là những tập đoàn lớn. Habeco cũng có số lượng các DN lớn tương tự bày tỏ sẵn sàng tham gia. Hay như việc thực hiện cổ phần hóa MobiFone cũng có nhiều đơn vị nước ngoài đăng ký... Ngay cả cộng đồng NĐT, DN trong nước gần đây cũng đã tham gia rất nhiều vào những cuộc đấu giá cổ phần lần đầu để cổ phần hóa của các tổng công ty giao thông, xây dựng. Vì vậy, ông Hải cho rằng nhà nước thực hiện càng nhanh thì càng tốt cho cả nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Thậm chí với nhiều ngân hàng như BIDV, Vietcombank... nếu nhà nước bán bớt vốn đi thì hình ảnh của hệ thống ngân hàng trong mắt các NĐT cũng sẽ khác đi và hình ảnh TTCK VN cũng sẽ thay đổi tích cực hơn. “Nhà nước càng giữ vốn lâu ở các ngành nghề không quan trọng như bia rượu, sữa... càng khiến cho kinh tế trì trệ. Thậm chí điều đó khiến cho các nhóm lợi ích có cơ hội làm thất thoát tài sản nhà nước và làm xói mòn lòng tin của NĐT. Không chỉ riêng hai trường hợp Sabeco, Habeco mà cần phải làm quyết liệt hơn nữa, thúc đẩy mạnh hơn các DN nhà nước đã cổ phần hóa nhanh chóng đưa lên niêm yết trên sàn chứng khoán”, ông Hải chia sẻ.
TS Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng để đạt được hiệu quả cao nhất về nhiều mặt như giá trị thu về, tác động tích cực cho TTCK... thì cần có phương án bán cổ phần cụ thể và minh bạch. Lộ trình thực hiện càng chi tiết và hợp lý sẽ khiến TTCK không bị pha loãng với lượng cung hàng ồ ạt. Đồng thời tạo ra cơ hội cho các NĐT tổ chức, các quỹ đầu tư sắp xếp kế hoạch huy động vốn để tham gia hiệu quả. Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng VN, cho rằng thông tin tích cực nhất cho TTCK trong đợt này chính là quyết định có thể đưa niêm yết ngay 2 DN bia Sabeco và Habeco mà không chờ khi thoái vốn xong. Điều đó đáp ứng đúng theo mong mỏi khá lâu của các NĐT trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào việc nhà nước thể hiện sự minh bạch trong điều hành hoạt động kinh tế cũng như tạo sự minh bạch cho TTCK nói chung. “Chuyện đưa các DN đã cổ phần hóa lên sàn chứng khoán thể hiện sự minh bạch đã cam kết với NĐT và chính điều đó sẽ tác động tích cực cho thị trường. Bản thân TTCK VN 8 tháng qua đã tăng khoảng 15% và là một trong những thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới. Vì vậy, bản thân các NĐT đều chờ xem lộ trình thoái vốn, giá... chi tiết và điều đó mới thật sự tác động tích cực đến thị trường”, ông Phan Dũng Khánh phân tích.
Danh sách 10 DN lớn đã được Chính phủ yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước xây dựng lộ trình bán vốn, trong đó có 8 DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI), Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia (VNR), Công ty sữa Vinamilk (VNM), Công ty nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Công ty cổ phần FPT (FPT), Công ty nhựa Bình Minh (BMP), Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM), Công ty hạ tầng và bất động sản VN và Công ty cổ phần viễn thông FPT. Đối với hai “ông lớn” ngành bia, là Sabeco và Habeco, Chính phủ sẽ thoái hết vốn trong khoảng 18 tháng tới, dự kiến số tiền thu về ít nhất cũng lên tới gần 50.000 tỉ đồng. Bộ Công thương đã yêu cầu hai doanh nghiệp thuê tư vấn để chuẩn bị các phương án. Riêng với Sabeco, dự kiến lộ trình thoái vốn theo hai đợt. Trong năm nay sẽ bán bớt 24.000 tỉ đồng, tương ứng trên 53,5% cổ phần. 16.000 tỉ còn lại sẽ thoái hết trong năm 2017 sau khi lên sàn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.