(HNMO) - Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2022, thị trường hàng hóa phục hồi tích cực, nhu cầu mua sắm gia tăng. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là dịp lễ, Tết Nguyên Đán.
Tăng cao cả về quy mô cũng như tốc độ
Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2022, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên, thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn.
Riêng mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm nguồn cung cũng như phối hợp với Bộ Tài chính để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.
Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 ước đạt hơn 493 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng 8-2022 và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 1,9%, tập trung chủ yếu vào nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện đi lại (tăng 2,2-2,6%); nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống tăng nhẹ (1,3%), nhóm du lịch lữ hành giảm 0,3% do nhu cầu giảm khi hết thời gian nghỉ hè và thời tiết mưa bão tại nhiều nơi; riêng nhóm các dịch vụ khác có mức tăng khá 12,6%.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5%), trong đó, quý I tăng 5%, quý II tăng 20,1% và quý III tăng 41,7%.
Bộ Công Thương nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm lại đây và tăng 14,2% so với 9 tháng năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Mặc dù vậy, quy mô của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ước tính chỉ đạt khoảng 84% trong điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhóm bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng trưởng khá tốt (tăng 15,8%) với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, hàng may mặc, phương tiện đi lại, lương thực, thực phẩm (mức tăng từ 11,4 - 25,9%); nhóm du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (với mức tăng từ 54 - 295%); dịch vụ khác tăng 34,5%.
Nổi bật là doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Khánh Hòa tăng 60,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 57,2%, Bình Dương tăng 43,0%; Cần Thơ tăng 41,1%; Hà Nội tăng 40,4%; Đà Nẵng tăng 39,5%; Hải Phòng tăng 31,2%; Quảng Ninh tăng 27,3%...
Bảo đảm cân đối cung cầu
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Đối với mặt hàng xăng dầu, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Bộ cũng kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.