Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), dòng tiền đầu tư tấp nập chảy vào thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch đầu tuần (26-8).
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới bật tăng do lo ngại ngày càng sâu sắc về nguồn cung sau các báo cáo về xung đột leo thang ở Trung Đông cũng như cắt giảm sản lượng ở Libya. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 3,46% lên mức 77,42 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 3,05% đạt mức 81,43 USD/thùng.
Thêm vào đó, giá dầu cũng tăng vọt sau khi Chính phủ Libya tuyên bố đóng cửa tất cả các mỏ dầu, ngừng sản xuất cũng như hoạt động xuất khẩu.
Xung lực trên thị trường cũng tiếp tục được thúc đẩy với tín hiệu hạ lãi suất đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này khiến chỉ số Dollar Index giảm về vùng 100 điểm lần đầu tiên sau hai năm và thúc đẩy lực mua khi đồng bạc xanh được định giá rẻ hơn.
Theo MXV, đóng cửa phiên giao dịch 26-8, giá cà phê Arabica tăng thêm 0,95%, lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi, nối tiếp đà khởi sắc từ cuối tuần trước. Lo ngại thời tiết khô hạn tại Brazil cùng thặng dư sản xuất cà phê toàn cầu bị thu hẹp là nguyên nhân hàng đầu hỗ trợ giá.
Tại Brazil, tình trạng khô hạn tại Đông Nam - khu vực trồng cà phê chính của Brazil dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 9. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến cây cà phê đang ra hoa cho vụ thu hoạch 2025-2026, từ đó có thể đẩy nguồn cung xuống mức thấp.
Giá cà phê Robusta cũng đang neo ở vùng giá cao kỷ lục trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại Việt Nam khan hiếm. Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (27-8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ trong khoảng 119.200 - 120.200 đồng/kg, tăng 200 - 400 đồng/kg so với cuối tuần qua.
Dẫn dắt đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong phiên hôm qua là mặt hàng đường thô khi tăng 3,53%, hình thành chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Rủi ro sản xuất tại Brazil đã khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh việc mua vào trong những phiên gần đây bên cạnh sự hỗ trợ từ lực tăng của giá dầu thô phiên hôm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.