(HNM) - Năm 2016 và 10 tháng năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các chỉ số giá cả, lượng giao dịch...
Nhiều dự án mới được triển khai nhờ thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng ổn định. Ảnh: Thái Hiền |
Thị trường dần ổn định
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án tăng giá khoảng 10% nhờ vị trí tốt, hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư bảo đảm tiến độ thi công. Đặc biệt, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại các địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... phát triển mạnh, đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ngoài ra, tại các thành phố lớn đã xuất hiện loại công trình văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), với diện tích 25-50m2/căn hộ, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá trị tồn kho bất động sản đến tháng 10-2017 còn khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 16% so với thời điểm tháng 12-2016.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ninh, thị trường đã xuất hiện tình trạng giới đầu cơ, môi giới lợi dụng thông tin một số dự án lớn chuẩn bị triển khai để đẩy giá đất nền lên, điển hình như khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh có thời điểm tăng giá 30-40%, thậm chí 70% so với năm 2016. "Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương đã kịp thời thông tin về kế hoạch, tiến độ dự án, cảnh báo người dân... nên thị trường dần trở lại ổn định" - ông Ninh cho biết.
Về chính sách tài chính cho thị trường bất động sản, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), xu hướng dư nợ của các tổ chức tín dụng đang chuyển dịch theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, dư nợ tín dụng cho bất động sản tăng khoảng 4% so với tháng 12-2016 và chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế. Tỷ trọng này được giữ ổn định từ năm 2013 đến nay. Dòng vốn tín dụng bất động sản cũng hướng vào lĩnh vực tiêu dùng về nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu lĩnh vực bất động sản giảm từ 7% năm 2013 xuống còn 4% năm 2017.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Namphân tích: "Đầu cơ là hàng hóa không đủ mà có một nhóm đối tượng găm hàng để đẩy giá, trong khi nguồn hàng của thị trường bất động sản đang rất dồi dào. Tôi nghĩ nên gọi là đầu tư. Ở nước ngoài, doanh nghiệp xây dựng nhà ở được gọi là nhà phát triển, người mua chờ cơ hội lên giá để bán gọi là nhà đầu tư. Việc lưu thông hàng hóa là bộ phận không thể thiếu; còn mua để ở hay đầu tư là do cơ chế thị trường; càng giao dịch nhiều, thị trường càng sôi động, đem lại lợi ích cho xã hội". |
Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản
Nhận định về thị trường năm 2018, ông Nguyễn Trọng Ninh dự báo, nhà ở trong ngắn hạn sẽ không biến động lớn. Tuy nhiên, một số phân khúc sản phẩm, như đất nền, căn hộ quy mô nhỏ, có thể thay đổi nhất định về giá cả; trong khi bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, thị trường sẽ giữ sự ổn định như năm 2017. Hà Nội hiện có khoảng 20.000 căn hộ chào bán; tính cả thị trường TP Hồ Chí Minh, con số này khoảng 45.000-50.000 căn. Trong khi sức tiêu thụ 1 năm chỉ khoảng 30.000 căn, như vậy thị trường vẫn có nguồn hàng dồi dào. Tuy nhiên, có thể năm 2018 thị trường sẽ chuyển mạnh sang phân khúc nhà ở giá rẻ và du lịch, nghỉ dưỡng.
Dưới góc độ quản lý tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, sẽ có sự kiểm soát chặt hơn. Chính phủ đã cảnh báo về tăng trưởng "nóng" tín dụng bất động sản thời gian qua. Để bảo đảm quyền lợi người mua nhà, việc thế chấp tài sản được quy định chặt chẽ hơn. Khi nguồn tài chính ổn định, ngân hàng chỉ cho vay không quá 70%, và không được dùng nguồn vốn đó đầu tư vào lĩnh vực khác. "Định hướng chính sách tín dụng trong thời gian tới sẽ là giữ ổn định thị trường tiền tệ; điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình, có giải pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững" - ông Hùng cho biết.
Hiện nay, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành đang nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp lý, như dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; các quy định về đầu tư, kinh doanh condotel, officetel; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường; chính sách thuế khắc phục đầu cơ; nghiên cứu cơ chế khuyến khích phát triển quỹ đầu tư bất động sản, quỹ phát triển nhà ở... nhằm huy động nhiều nguồn vốn trong xã hội, cùng với việc hoàn thiện cơ chế thị trường tài chính nhà ở để cung cấp nguồn vốn trung, dài hạn, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.