Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bất động sản: Gỡ khó để sớm phục hồi

Dạ Khánh| 02/12/2021 06:11

(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2021 cùng với những bất cập trong chính sách chưa được tháo gỡ triệt để khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm. Tình trạng này đã làm cho giá bất động sản tiếp tục leo thang, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại đô thị lớn... Do đó, việc điều tiết và hỗ trợ bằng các chính sách, nguồn lực từ Nhà nước là giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn, sớm hồi phục và ổn định thị trường bất động sản.

Năm 2021, nguồn cung bất động sản mới chỉ bằng khoảng 50%; lượng giao dịch bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Khu chung cư Udic Westlake (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Thị trường sụt giảm nghiêm trọng

Thông tin chung về thị trường bất động sản năm 2021, Bộ Xây dựng cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường này. Nguồn cung bất động sản mới chỉ bằng khoảng 50%; lượng giao dịch bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, hiện tượng lợi dụng thông tin quy hoạch hay các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch cũng làm nhiễu loạn thị trường.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thông tin, các dự án chung cư ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang ít dần. Tổng lượng chào bán trên thị trường cả nước đạt 165.742 sản phẩm, trong đó chung cư chiếm 64%. Tuy nhiên, phần lớn trong số này vẫn là dòng sản phẩm cũ (118.227 sản phẩm); sản phẩm mới trong năm 2021 chỉ đạt 47.515 sản phẩm. Sự lệch pha về cung - cầu tiếp tục xảy ra khi nguồn cung nhà ở ngày càng sụt giảm, trong khi nhu cầu vẫn rất cao.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, quý III-2021, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 352 căn hộ, giảm đến 85,7% so với quý I-2021 và giảm 87,5% so với cùng kỳ năm 2020. “Vướng mắc trong quy định pháp luật là nguyên nhân chính gây sụt giảm nguồn cung nhà ở ra thị trường. Điều này không chỉ làm hạn chế sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản, mà còn làm giá bất động sản tăng cao...”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, bất động sản là ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác, chịu tác động điều chỉnh của 12 luật, trong khi giữa các văn bản pháp lý đang có sự vênh nhau, khiến việc thực thi rất lúng túng. Vì vậy, muốn bất động sản phát triển, trở thành động lực cho nền kinh tế, phải hoàn thiện hệ thống quy định.

Dự án nhà ở xã hội và căn hộ chung cư Hope Residence (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để thị trường bất động sản hồi phục, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, do việc sửa đổi luật cần nhiều thời gian, giải pháp trước mắt là cần thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án; đồng thời xử lý các địa phương không tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, để tồn đọng nhiều hồ sơ, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục đối với dự án đầu tư bất động sản.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Bùi Tuấn Minh nêu ý kiến, Nhà nước cần cập nhật mức giá thị trường để đền bù giải phóng mặt bằng, bởi khung giá đền bù hiện nay chưa hợp lý và chưa theo kịp với giá thị trường. Thực tế, các doanh nghiệp phát triển bất động sản thường phải chi trả đền bù giải phóng mặt bằng nhiều hơn so với mức cho phép của Nhà nước. Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản Nguyễn Đức Lập cho rằng, bên cạnh tập trung tháo gỡ cho các dự án có vướng mắc để khơi thông nguồn cung thì cần hoàn thiện Cổng thông tin quốc gia về quy hoạch và thông tin pháp lý bất động sản nhằm công khai, minh bạch các trình tự thực hiện dự án, tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý liên quan...

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để giải quyết các khó khăn của thị trường bất động sản, rất cần sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các địa phương cần khẩn trương rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; tập trung phát triển dự án để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản phù hợp nhu cầu thực tế; tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản...

Hiện, Bộ Xây dựng đang khẩn trương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 2 bộ luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, bộ đề xuất sửa đổi, xử lý các tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; kiến nghị nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các chính sách khuyến khích đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trợ lực giúp tăng nguồn cung, mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản: Gỡ khó để sớm phục hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.