Góc nhìn

Gỡ vướng pháp lý cho thị trường bất động sản

Gia Khánh 13/03/2024 - 06:21

Đầu năm 2023, các hiệp hội bất động sản và cơ quan quản lý công bố thống kê: 70% vướng mắc của thị trường bất động sản liên quan tới pháp lý. Sang năm 2024, đây vẫn là điểm nghẽn lớn nhất và là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường bất động sản.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2023 cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc (chủ yếu là về pháp lý). Có nhiều lý do dẫn đến vướng mắc pháp lý, trong đó nổi lên là thủ tục, quy định còn chồng chéo, phức tạp, khó thực thi và năng lực nhà đầu tư bất động sản hạn chế, không đáp ứng được các yêu cầu (không có khả năng tài chính để hoàn tất thủ tục giao đất, triển khai dự án...). Vướng mắc pháp lý cũng là vướng mắc khó giải quyết trong một sớm một chiều.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho dự án bất động sản đã hoạt động hiệu quả, đạt được kết quả tích cực. Điển hình là Chính phủ đã ban hành các nghị định tạo điều kiện cấp sổ hồng cho căn hộ du lịch, tháo gỡ khó khăn trong định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất… Tuy nhiên, mới chỉ có số ít trong khoảng 1.200 dự án bất động sản gặp vướng mắc đã tháo gỡ được khó khăn, là bởi vấn đề pháp lý liên quan đến nhiều lĩnh vực, như đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng…

Việc giải quyết đề xuất của doanh nghiệp từ các cơ quan chức năng còn chậm trễ. Trong khi đó, nhiều vướng mắc về thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai…) tháo gỡ, song lại chưa có hiệu lực thi hành nên đến thời điểm hiện nay vẫn phải chờ.

Vậy cách nào để tháo gỡ, khơi thông những dự án bất động sản gặp rào cản về mặt pháp lý? Tại cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, diễn ra ngày 11-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Tổ công tác tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý và đôn đốc các địa phương giải quyết vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát, chỉ rõ. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện dự thảo văn bản, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, bảo đảm các luật thực thi hiệu quả ngay khi có hiệu lực, tránh khoảng trống do thiếu hướng dẫn. Thực tế, doanh nghiệp bất động sản rất kỳ vọng ở các luật trên, nhất là Luật Đất đai khi văn bản này tháo gỡ rất nhiều vấn đề tồn tại lâu nay.

Mặt khác, các bộ, ngành cần vào cuộc, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, nhất là nơi có nhiều dự án bất động sản, nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vấn đề có thể giải quyết ngay, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch dự án, xác định giá đất, việc giao đất… Đặc biệt qua thanh tra, kiểm tra, xử lý ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết những vấn đề doanh nghiệp đề xuất.

Bên cạnh xây dựng tiêu chí năng lực nhà đầu tư bất động sản, doanh nghiệp cũng cần chủ động rà soát lại dự án, đề xuất phương án xử lý hài hòa lợi ích. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần điều chỉnh phân khúc, giá cả để bảo đảm thanh khoản, tạo dòng vốn duy trì hoạt động, thúc đẩy dự án, góp phần phục hồi thị trường bất động sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng pháp lý cho thị trường bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.