(HNM) - Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích VinMart có tên mới là WinMart; hệ thống siêu thị Big C đổi tên thành TopsMarket và GO!... Dồn dập những thông tin về việc thay tên, đổi chủ của hệ thống phân phối cho thấy thị trường bán lẻ đang trên đà tái cơ cấu nhằm phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Liên tục “làm mới mình”
Những ngày qua, thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Masan lên kế hoạch đổi tên hệ thống bán lẻ VinMart thành WinMart sau khi một tập đoàn của Hàn Quốc mua 16,26% cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (đơn vị vận hành hệ thống VinMart thuộc Masan) gây sự chú ý lớn trong giới đầu tư, kinh doanh. Vậy là hơn 2.300 siêu thị, cửa hàng của hệ thống bán lẻ này đang “phủ sóng” khắp 58 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ mang tên mới. Cùng với việc đổi tên thành WinMart, Tập đoàn Masan cho biết đang tiến hành một cuộc “lột xác” toàn diện với chuỗi bán lẻ này khi thử nghiệm việc nhượng quyền thương hiệu WinMart, với kỳ vọng sẽ có 20.000 điểm bán lẻ ở kênh truyền thống.
Cũng là chuyện đổi tên, cách đây đúng 1 tháng, Tập đoàn Central Retail đã đổi tên 7 siêu thị Big C thành Tops Market và 5 đại siêu thị Big C thành GO!, sau 22 năm thương hiệu Big C "làm mưa, làm gió" tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm 2021, hàng loạt siêu thị Big C sẽ tiếp tục quá trình đổi tên thành Tops Market và GO! trong chiến lược tái cơ cấu của doanh nghiệp này. Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành chuỗi đại siêu thị GO!/Big C) Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, cùng với đổi tên, hệ thống bán lẻ này đang dần chuyển đổi diện mạo hoàn toàn mới, kèm với đó là cải tiến không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chuyện các doanh nghiệp bán lẻ thay tên, đổi chủ, sáp nhập, tái cấu trúc hệ thống, thậm chí là xóa tên khỏi thị trường bán lẻ không còn là chuyện mới ở Việt Nam những năm qua. Trước đó, thương hiệu siêu thị bán lẻ Metro Cash & Carry về tay ông chủ người Thái Lan và được đổi tên thành MM Mega Market. Cũng có thể kể đến thương hiệu bán lẻ khác của Pháp là Auchan đóng cửa siêu thị ở Việt Nam khi về tay Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) năm 2019, sau 4 năm hoạt động và phát triển được 18 siêu thị. Bên cạnh việc phát triển mới các minimart mang thương hiệu Haprofood/BRGMart, Tập đoàn BRG năm qua cũng định hướng quy chuẩn thống nhất các thương hiệu bán lẻ đang quản lý như Intimex, Hapromart, Seikamart thành một thương hiệu chung là BRGMart.
Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư. Ông Nagatsuma Hiroyuki, phụ trách truyền thông Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, việc các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước mua bán, sáp nhập, cơ cấu lại, thực chất cũng là hình thức rót vốn đầu tư vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, thị trường bán lẻ có dư địa phát triển lớn, đồng thời khẳng định uy tín, hạ tầng hiện có của một số thương hiệu bán lẻ trong nước đủ sức hút đối với các nhà đầu tư.
Rõ ràng các nhà bán lẻ đã nhìn thấy những cơ hội tiềm tàng tại thị trường Việt Nam, với dân số 100 triệu người có mức thu nhập ngày càng cao. Điều này càng thêm cơ sở khi thị trường bán lẻ Việt Nam được hãng tư vấn A.T.Kearney (Hoa Kỳ) xếp hạng chỉ số phát triển bán lẻ thứ 6 toàn cầu. Thống kê của Bộ Công Thương cũng khẳng định, năm 2020, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, song tổng mức bán lẻ của Việt Nam tăng mạnh hai con số. Trong quý I-2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1.033,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tiếp tục tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho rằng, các sự kiện tái cơ cấu, mua bán hệ thống phân phối góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển hạ tầng bán lẻ hiện đại, như siêu thị, trung tâm thương mại, hoàn toàn phù hợp với định hướng cũng như xu thế phát triển, đồng thời tạo tăng trưởng cho thị trường bán lẻ, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Thực tế đến nay, bên cạnh hệ thống chợ, cả nước đã có 1.085 siêu thị; 240 trung tâm thương mại; gần 2.000 cửa hàng tiện lợi… Còn tại Hà Nội, nhằm trở thành trung tâm giao thương và kinh tế của cả nước và khu vực Đông Nam Á, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3… Theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ tăng cường cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm…
Còn ông Trần Duy Đông cho hay, trong định hướng phát triển thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đa dạng hóa loại hình hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn. Trong đó, các hình thức đầu tư trong và ngoài nước được khuyến khích, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.