Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi hành án hành chính: Chưa có chuyển biến

Hà Phong| 14/12/2019 06:45

(HNM) - Tỷ lệ thi hành án hành chính năm nào cũng thấp là vấn đề đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu nhiều lần. Song trên thực tế, công tác này hiện chưa có nhiều chuyển biến. Trong đó, đáng chú ý là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của không ít người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm.

“Mượn uy” cấp trên, né va chạm

Đánh giá của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính năm 2019 cho thấy, toàn ngành đã thực hiện theo dõi 637 việc; ban hành 605 văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án; đăng tải công khai 113 quyết định buộc thi hành án... Kết quả đã thi hành xong 298 việc, đạt tỷ lệ 46%, là mức thấp hơn nhiều so với các loại án phải thi hành khác. Trong đó có 37 việc bên phải thi hành án là chủ tịch UBND, UBND các cấp. Nguyên nhân chính là do chủ tịch UBND và người đại diện UBND các cấp “né” đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính.

Không chỉ vậy, toàn quốc còn 21 vụ việc tòa án đã ra phán quyết có hiệu lực từ trước tháng 7-2016 nhưng đến nay chủ tịch UBND các cấp chưa thi hành, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, uy tín của cơ quan nhà nước.

Giải thích kỹ hơn về vấn đề này tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức mới đây, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang cho biết, việc này trước hết bắt nguồn từ nhận thức. Khi kinh tế - xã hội phát triển tất yếu phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước, như quy hoạch hạ tầng, xây dựng đô thị, giải tỏa đền bù đất đai... Và trong quá trình này, chính quyền ra nhiều quyết định hành chính, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Vì vậy, việc gia tăng khiếu nại hay các vụ án hành chính là hết sức bình thường.

“Nhưng một số đồng chí chủ tịch UBND các cấp vẫn nghĩ rằng, phải đến tòa để xét xử thì vị thế của mình bị hạ thấp. Khi lãnh đạo chính quyền không đến thì không thể đối thoại, không thể cung cấp chứng cứ, dẫn đến việc phiên tòa phải hoãn nhiều lần, số lượng vụ án được giải quyết sẽ thấp”, ông Lê Hồng Quang nói.

Luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phản ánh, chấp hành viên tòa hành chính thường xuyên tiếp xúc với bên phải thi hành án là những người có chức vụ, chưa kể nhiều trường hợp chủ tịch UBND kiêm trưởng ban chỉ đạo thi hành án địa phương nên sức ép tâm lý rất lớn. Cũng chính vì lý do ngại va chạm, nên ở nhiều địa phương, Viện Kiểm sát phát hiện vi phạm trong các bản án hành chính nhưng phải “mượn uy” cấp trên để kháng nghị, mà tránh làm trực tiếp với Tòa án cũng như chính quyền cùng cấp. 

Chưa hết, thể chế pháp luật ở lĩnh vực này còn những khoảng trống dẫn đến lúng túng trong khi thi hành. Từ thực tiễn ở cơ sở, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao cơ chế giải quyết tranh chấp qua con đường tòa án và cho biết, ở Hà Nội, các vụ kiện hành chính chủ yếu liên quan đến đất đai. Lãnh đạo thành phố rất quan tâm, quyết liệt trong việc thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, khó khăn nhất là nhiều vụ việc kéo dài hàng chục năm; chính sách pháp luật về đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, lại có những kẽ hở, khiến việc xử lý không đơn giản.

Tăng cường kiểm tra liên ngành

Thực tế trên thể hiện rất rõ lỗ hổng pháp lý và hạn chế của nền hành chính hiện nay. Để khắc phục, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15-11-2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Một trong những nội dung quan trọng tại Chỉ thị là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp hành nghiêm trách nhiệm tham gia phiên tòa, cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu có liên quan đến quyết định, hành vi hành chính bị khởi kiện; khắc phục ngay những tồn tại trong việc thi hành án hành chính thuộc phạm vi quản lý. 

Song song với đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, tăng cường kiểm tra liên ngành về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính; đăng tải công khai thông tin người không chấp hành án hành chính theo quy định... Hiện, Bộ Tư pháp đã thành lập đoàn kiểm tra tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… để có những hướng dẫn kịp thời.

Theo ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ngay sau khi Chỉ thị số 26/CT-TTg được ban hành, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ thi hành án dân sự để kịp thời phổ biến, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, với mục tiêu đến năm 2020 tiếp tục nâng tỷ lệ thi hành án xong, trong đó có án hành chính cao hơn năm 2019.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị cấp ủy, UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ngoài ra, cần tạo điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để các cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi hành án hành chính: Chưa có chuyển biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.