(HNM) - Như Hànộimới đã đưa tin, phong trào
Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND quận Long Biên ân cần hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Viết Thành |
Bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai:
Góp phần xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực
Được biết, từ ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quy chế quy định cụ thể từ các hành vi bị cấm đến trang phục, lễ phục, cách giao tiếp và ứng xử với người dân, đồng nghiệp... của cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà của cán bộ với người dân khi thực thi nhiệm vụ khiến nhiều vụ việc bị chậm trễ. Khi biết Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", tôi rất mừng.
Tôi mong rằng, phong trào thi đua này sớm được triển khai tại tất cả các cơ quan hành chính từ trung ương tới cơ sở nhằm bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời góp phần xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.
Chị Đinh Đức Hiền, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai:
Lan tỏa những hành động, việc làm đẹp
Tôi được biết bên cạnh không ít việc làm chưa đẹp, có rất nhiều hành động đẹp, ứng xử văn minh của các cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị... Đây cũng là xu thế chủ đạo của môi trường văn hóa công sở hiện nay, góp phần nâng chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức của các cơ quan hành chính.
Điển hình là vào tháng 6-2018, khi đến UBND phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) để làm thủ tục chứng thực hồ sơ, tôi đã chứng kiến một cụ ông hơn 90 tuổi đến bộ phận "một cửa" của phường để làm giấy ủy quyền lĩnh lương hưu cho cụ bà.
Tại đây, một cán bộ phường còn rất trẻ tuổi đã tận tình giúp đỡ công dân đi lấy giấy ủy quyền, hướng dẫn cách viết. Do người ký là Chủ tịch UBND phường đi vắng, người cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục này đã lễ phép nói cụ ông cứ về nhà trước, khi nào hoàn thiện giấy tờ sẽ tự tay mang đến nhà. Chỉ 30 phút sau, cán bộ trẻ này đã mang giấy ủy quyền hoàn thiện đến tận nhà trao cho cụ ông.
Ví dụ này thật đáng quý và mong sẽ ngày càng lan tỏa, từ đó nhân lên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ người già nói riêng, công dân nói chung khi đến giao dịch, làm sáng rõ hơn đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ nhân dân.
Ông Lê Thanh Kiện, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông:
Luôn tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân
Qua theo dõi tôi được biết, trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa xác định rõ bổn phận, làm việc với thái độ thờ ơ, tắc trách và có phần vô cảm... Hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô "Kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện", đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.
Qua hơn 2 năm thực hiện quy tắc, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, cán bộ giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm.
Hy vọng khi phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" được phát động rộng khắp, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện nghiêm các quy định, luôn tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Liêm, đảng viên, phường Đội Cấn, quận Ba Đình:
Làm tốt 3 trụ cột
Tôi rất đồng tình với thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra (tại lễ phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" - PV) là để biến phong trào thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở, cần dựa trên 3 trụ cột, gồm: Xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở; kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ.
Nếu tất cả cán bộ, công chức, viên chức làm tốt 3 trụ cột nêu trên thì tại các cơ quan, công sở nhà nước sẽ hình thành một môi trường làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, với tác phong của những cán bộ có cảm xúc, có trí tuệ, bản lĩnh.
Để có được điều này, thiết nghĩ chính mỗi cán bộ, công chức phải tự nêu gương, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức phục vụ nhân dân. Quan trọng hơn, các cơ quan từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn, đặc biệt là người đứng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.