Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm những tin vui

Thu Trang| 19/02/2020 09:27

(HNM) - Ngày 18-2, Việt Nam có thêm 4 bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) và tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã xuất viện, đưa tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện ở nước ta lên 11 người, trên tổng số 16 trường hợp nhiễm Covid-19. Đáng vui hơn, dù Covid-19 là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng Việt Nam đã chữa khỏi cho bệnh nhân ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện sáng 18-2 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Ảnh: Xuân Lộc

Phác đồ điều trị phù hợp

Ánh mắt hạnh phúc của hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi bước ra từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đã thu hút sự quan tâm của hàng chục phóng viên có mặt tại đó. Nữ bệnh nhân N.T.Y. (55 tuổi ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nghẹn ngào: “Nhập viện ngày 9-2, tôi sốt cao, rét run, mệt mỏi... Khi đó, tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất xảy ra với bản thân. Thế nhưng, các y, bác sĩ đã động viên, chăm sóc, điều trị tận tình, giúp tôi vượt qua lo lắng. Sau 9 ngày điều trị, tôi đã khỏe mạnh, được xuất viện. Tôi vô cùng biết ơn các y, bác sĩ…”. Hai bệnh nhân xuất viện sáng 18-2 cũng là hai bệnh nhân cuối cùng trong 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19, mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cho biết, phương pháp điều trị vẫn theo phác đồ của Bộ Y tế, tức là điều trị theo triệu chứng, gồm cách ly, sử dụng thuốc kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng, nâng cao thể trạng... “Những bài học kinh nghiệm rút ra từ dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm H1N1, sốt xuất huyết… đã được chúng tôi áp dụng vào điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đó là phải bảo đảm việc cách ly, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như tránh phát tán mầm bệnh ra bên ngoài”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng được điều trị khỏi và xuất viện. Dự kiến, hôm nay (19-2), tại huyện Bình Xuyên tiếp tục có thêm hai bệnh nhân nữa xuất viện. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, tỉnh có 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong tổng số 16 bệnh nhân tại Việt Nam. Ngày 10-2 đã có 3 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Một tuần sau đó, thêm 4 bệnh nhân được xuất viện, 2 bệnh nhân khỏi bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Hải thông tin, khi xác định “tâm dịch” là huyện Bình Xuyên, với phương châm điều trị tại chỗ, không để dịch lây lan, tỉnh đã tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, vật lực cho Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà và đưa 5 bệnh nhân về điều trị tại đây. Việc điều trị tại tuyến huyện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ đã phát huy tác dụng. 5 ngày qua, Vĩnh Phúc không ghi nhận thêm bệnh nhân Covid-19 mới.

Về những trường hợp nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh ngay tại y tế cơ sở, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, nhờ có sự kế thừa kinh nghiệm từ các đợt chống dịch bệnh trước đây, Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ điều trị Covid-19 phù hợp. Điểm khác trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam là điều trị ngay tại cơ sở. Bệnh xảy ra ở địa phương nào, tiến hành cách ly và điều trị ở địa phương đó, trừ những trường hợp nặng mới chuyển tuyến để tránh lây lan sang cộng đồng.

Phải khoanh vùng, cách ly triệt để

Tính đến 17h ngày 18-2, cả nước phát hiện 16 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 13/16 bệnh nhân đã khỏi bệnh và 11/16 bệnh nhân được xuất viện. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đủ các đối tượng nhiễm Covid-19, gồm: Người cao tuổi có bệnh nền, nam giới, nữ giới và cả trẻ em. Dù đây là bệnh mới, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể chữa khỏi. Đó là niềm tự hào của ngành Y tế Việt Nam. Với phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ, có sự phân tuyến điều trị tại các bệnh viện của Bộ Y tế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nước ta hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), từ những người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam có thể thấy, dịch lây lan rất mạnh, dù các ca bệnh không nặng. Do đó, biện pháp quan trọng nhất hiện nay là khoanh vùng, cách ly triệt để. Từng người dân phải có ý thức tự phòng bệnh dựa theo những khuyến cáo của Bộ Y tế, cũng như có trách nhiệm với cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, thời gian ủ bệnh tối đa của Covid-19 là 14 ngày được đưa ra dựa theo những nghiên cứu cùng với những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tại Trung Quốc cũng có một số công trình nghiên cứu cho rằng, thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài hơn, tới 24 ngày. Tuy nhiên, cho đến nay, những thông tin đó vẫn chỉ là nghiên cứu mang tính đơn lẻ. Tại thời điểm hiện nay, việc cách ly giám sát ca bệnh vẫn theo khuyến cáo của WHO và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) là 14 ngày. Tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày. 

Mới đây, WHO đánh giá cao về năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch Covid-19. Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngay từ khi dịch mới xuất hiện, Việt Nam đã mở rộng nhanh diện giám sát, phát hiện sớm những ca nghi nhiễm để phòng, chống và cách ly hiệu quả. “Dịch Covid-19 nếu lan ra cộng đồng sẽ theo cấp số nhân. Do đó, các địa phương cần áp dụng nghiêm túc việc cách ly đối với trường hợp nghi ngờ, có biểu hiện như sốt, ho, khó thở; có yếu tố đi từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bệnh, nhằm bảo đảm không lây lan sang những người xung quanh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm những tin vui

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.