Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một lần lỡ hẹn

Đình Hiệp| 26/11/2014 06:29

(HNM) - Mặc cho các hoạt động ngoại giao con thoi cũng như những nỗ lực đàm phán trong suốt 5 ngày qua ở thủ đô Vienna (Áo), Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân

Theo thời hạn chót được các bên đặt ra để có thể ký kết thỏa thuận sau đàm phán là vào ngày 24-11. Đây là lần thứ hai các bên phải lựa chọn phương án gia hạn, sau một quyết định tương tự cách đây 4 tháng.

Iran và Nhóm P5+1 chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.


Cuộc đàm phán Iran và P5+1 kéo dài từ tháng 2 vừa qua đến nay, với đích đến là biến thỏa thuận tạm thời đạt được cách đây một năm thành một thỏa thuận toàn diện, lâu dài vào ngày 24-11. Các quốc gia phương Tây tin rằng, một thỏa thuận toàn diện sẽ giúp thế giới vơi bớt nỗi lo về khả năng Iran phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc hạt nhân dân sự. Về phần mình, Iran muốn đạt thỏa thuận để được dỡ bỏ trừng phạt kinh tế và luôn khẳng định chương trình hạt nhân của Tehran hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình. Thế nhưng, thỏa thuận mà các bên vừa đạt được vào những phút cuối của thời hạn chót chỉ là nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng (đến 1-7-2015). Dù địa điểm cuộc đàm phán sắp tới chưa được quyết định, nhưng Iran sẽ tiếp tục được tiếp cận khoảng 700 triệu USD/ tháng trong tài khoản của nước này ở các ngân hàng nước ngoài.

Bất đồng lớn nhất khiến các bên đàm phán không tìm được tiếng nói chung là giới hạn làm giàu urani của Iran và tiến độ nới lỏng lệnh trừng phạt của phương Tây đang vây quanh quốc gia Hồi giáo này. Trong khi Mỹ và một số nước muốn Iran giảm một nửa số lượng máy ly tâm hiện có để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đang gây tác động nặng nề lên nền kinh tế, Iran lại kiên quyết bảo vệ quyền được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; đồng thời yêu cầu phương Tây ngừng phong tỏa tài khoản của nước này ở các ngân hàng nước ngoài.

Dù tiến trình đàm phán được gia hạn thêm 7 tháng nữa nhưng triển vọng về một thỏa thuận cuối cùng vẫn không mấy sáng sủa. Một trong những nút thắt khiến tiến trình đàm phán bế tắc suốt 12 năm qua là quy mô làm giàu urani của Iran. Đây là trung tâm của các cuộc tranh cãi giữa Iran và nhóm P5+1, do quy mô làm giàu sẽ quyết định bản chất của năng lực chiết xuất năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình hay chế tạo vũ khí hủy diệt. Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là vấn đề sản xuất plutoni của Iran. Trước khi phát triển khả năng làm giàu urani, Tehran đã cho xây dựng lò phản ứng nước nặng Arak nhằm sản xuất đồng vị hạt nhân phục vụ nghiên cứu y tế và cung cấp 40 MW điện cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Lò phản ứng Arak được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những rào cản lớn trên bàn đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 thời gian qua. Để hóa giải lo ngại của phương Tây, tháng 2 vừa qua các quan chức Iran thông báo sẵn sàng thay đổi phương án thiết kế Arak. Nhưng, việc Iran sau đó không cung cấp bất kỳ thông tin cụ thể nào về thay đổi này đã khiến phương Tây càng thêm nghi ngờ về ý định thực sự của Tehran.

Một vấn đề nữa là các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã làm tê liệt nền kinh tế và khiến Iran không thể tiếp cận khoảng 100 tỷ USD đang bị đóng băng tại các ngân hàng nước ngoài. Kể từ khi bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt từ giữa năm 2012, giá trị đồng nội tệ và xuất khẩu dầu Iran đã lao dốc tới 60%. Trong các cuộc đàm phán, Tehran luôn mong muốn có một lịch trình cụ thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt; nhưng đáp lại, phương Tây chỉ đồng ý dỡ bỏ từng phần lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Iran cắt giảm mạnh quy mô làm giàu hạt nhân.

Với những khác biệt trong quan điểm, lợi ích cũng như cách thức giải quyết khúc mắc, thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân Iran lại một lần nữa bị lỡ hẹn. Cả Iran và phương Tây đều hiểu rằng đây là một thỏa thuận quan trọng cần sớm được ký kết; song một thỏa hiệp chỉ có thể đạt được khi các bên biết chấp nhận nhượng bộ và hy sinh một phần "lợi ích" để hướng tới mục tiêu chung toàn diện và lâu dài. Đó là yên bình và thịnh vượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm một lần lỡ hẹn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.