Để giảm rủi ro thiên tai, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thông qua hoạt động này, người dân và chính quyền cơ sở có thêm kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó với thiên tai.
Tình huống giả định của cuộc diễn tập là: Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra mưa lớn nhiều ngày, lượng nước đổ về sông Cầu ngày một dâng cao và xuất hiện các sự cố đê điều, đe dọa tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng. Trước tình hình đó, huyện Sóc Sơn đã họp khẩn cấp nhằm thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống thiên tai…
Để cuộc diễn tập đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã hướng dẫn cho các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị. Cuộc diễn tập có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa chính quyền cùng sự tham gia của các lực lượng tại chỗ.
Trong buổi diễn tập, các lực lượng đã thực hành xử lý 5 tình huống: Thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai cho cộng đồng; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai và trọng điểm, xung yếu; hướng dẫn sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; xử lý sự cố sạt trượt mái đê và sự cố thẩm lậu mái đê phía đồng…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai đã thành công, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.
Qua buổi diễn tập, ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ phòng, chống lụt, thiên tai được nâng lên; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và khả năng hiệp đồng của các ban, ngành, đoàn thể địa phương trên địa bàn được củng cố, đủ khả năng ứng phó khi xảy ra các tình huống thiên tai.
Ông Nguyễn Hữu Bình ở xã Tân Hưng cho biết, trước đây, mỗi khi di dời tài sản, người dân thường mang tất cả những gì có thể, trong đó có cả vật dụng cồng kềnh. Nhưng sau khi tham gia diễn tập phòng, chống thiên tai, bà con đã thay đổi quan niệm.
“Tài sản, vật dụng thì nên kê cao lên. Mình chỉ mang theo những thứ cần thiết, càng đơn giản càng tốt. Tính mạng quan trọng hơn”, ông Nguyễn Hữu Bình nói.
Về phía chính quyền, việc thực hành diễn tập phòng, chống thiên tai đã giúp bộ phận chuyên môn có thêm kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức và triển khai các phương án ứng phó…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, huyện đã rút ra nhiều bài học, trong đó, đặc biệt là công tác phối hợp và phân công lực lượng làm nhiệm vụ hộ đê, di dời người và tài sản, bảo đảm an ninh trật tự... Thông qua diễn tập, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá đúng khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Từ đó điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, tổ chức nhân lực, phương tiện… để chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai gần hơn với tình hình thực tế.
Theo Phó Trưởng phòng Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) Nguyễn Vinh Nguyên, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nội dung đặc biệt quan trọng trong kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các quận, huyện, thị xã…
Năm 2019, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp, tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai với sự tham gia của 3.150 người là cán bộ và nhân dân 90 xã của 17 huyện ngoại thành…
Bên cạnh đó, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão còn tổ chức thành công các lớp tập huấn, tuyên truyền: Thu thập, cập nhật thông tin cho bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương, thiết lập bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương ở từng cộng đồng cho 90 xã tại các huyện, thị xã: Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Hoài Đức, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đan Phượng, Phú Xuyên, Mê Linh, Đông Anh.
Trong các buổi tập huấn, các giảng viên của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã hướng dẫn đại diện người dân và chính quyền xã tham gia đánh giá rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ thiên tai, giới thiệu việc lập kế hoạch phòng, chống thiên tai và lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Phát huy hiệu quả công tác này, năm 2020, đơn vị sẽ tham mưu với các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức diễn tập công tác phòng, chống thiên tai, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai cho các địa phương còn lại trên địa bàn thành phố…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.