(HNM) - Ngày 29-12, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đã chọn được biểu trưng nhãn du lịch sinh thái "Bông sen xanh" dùng để chứng nhận cho cơ sở lưu trú tại Việt Nam thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường. Trên thực tế, không quan tâm và thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường tại các khách sạn, nhà nghỉ… đang trở thành "rào cản" ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững.
Mất khách vì nơi lưu trú
Đồng hành với sự chuyển động tích cực và tốc độ gia tăng lượng khách du lịch thời gian qua, số lượng các cơ sở lưu trú cũng không ngừng tăng lên. Hiện cả nước có khoảng 10.800 cơ sở lưu trú du lịch với 208.000 buồng, trong đó có 298 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao với 32.266 buồng. Không chỉ là điểm nghỉ của nhiều đối tượng khách có quốc tịch, văn hóa, sở thích và nhu cầu khác nhau, đây còn là nơi tiêu thụ nhiều tài nguyên, năng lượng như: điện, nước, thực phẩm, hàng hóa..., từ đó thải ra một lượng không nhỏ rác thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn...
Xây dựng khách sạn “xanh” là một trong những yếu tố để các cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ cảnh quan, thu hút khách du lịch. Ảnh: Trung Kiên |
Tại kết quả khảo sát hơn 50 khách sạn từ 3 đến 5 sao trên toàn quốc được Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) phối hợp với Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng của Pháp; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng tiến hành trong quá trình nghiên cứu dự án nhãn sinh thái cho thấy một thực trạng đáng buồn về công tác quản lý môi trường. Bằng chứng là chỉ có 5% số khách sạn ghi chép lượng rác thải hằng ngày, 25% có chính sách thân thiện môi trường, 3 khách sạn kiểm soát chỉ số phát thải (từ lò hơi, máy phát điện, ống khói) và không một cơ sở nào ghi nhận phản hồi hoặc góp ý của khách, nhân viên về việc quản lý tài nguyên trong khách sạn… Thậm chí, hầu hết khách sạn được khảo sát đều không có biện pháp quản lý chất thải độc hại và chỉ 2% trong số đó có ý thức thu hồi pin thải. Việc quản lý tiếng ồn tại những nơi này cũng là tự phát và cảm tính chứ không có giải pháp mới có tính lâu dài, bền vững.
Để đáp ứng các nhu cầu của khách trong một chuyến du lịch, ngoài các yếu tố về tài nguyên, điểm đến, con người… rất cần nơi lưu trú không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của du khách mà nó còn là một phần cơ bản để tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hơn nữa, xu hướng của khách quốc tế hiện nay là hướng tới các sản phẩm du lịch "xanh". Trong khi không ít khách sạn của nước ta lại chưa quan tâm hoặc ngại đầu tư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, hệ thống khách sạn có quy mô nhỏ phát triển ồ ạt, thiếu đồng bộ, chắp vá, không theo quy hoạch đã và đang có những tác động tiêu cực tới môi trường.
Hướng tới xây dựng khách sạn "xanh"
Công tác bảo vệ môi trường là điều kiện cần thiết để phát triển du lịch bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành, trong đó có dịch vụ lưu trú. Nhận thức rõ tầm quan trọng, từ lâu các nước trên thế giới, một số nước trong khu vực cũng đã xây dựng nhãn sinh thái (biểu trưng cho du lịch bền vững) để trao cho các cơ sở đủ tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như khu vực ASEAN có nhãn "Khách sạn xanh ASEAN", châu Âu có "Quả cầu xanh", Thái Lan có "Lá xanh"… Còn Việt Nam mới bắt tay vào việc triển khai xây dựng nhãn sinh thái "Bông sen xanh" cho các khách sạn.
Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, ở nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore và các nước Liên minh châu Âu (EU), việc áp dụng nhãn xanh cho sản phẩm du lịch không chỉ tác động tới những người kinh doanh du lịch mà còn tác động tới cả thói quen tiêu dùng của du khách. Việc làm này đã làm giảm đáng kể những tác hại của du lịch tới môi trường và tài nguyên. Không chỉ vậy, những nơi có môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm thường là những điểm đến lý tưởng và hút khách.
Hiện ngành du lịch đang gấp rút hoàn thiện tiêu chí nhãn sinh thái với 84 tiêu chí cụ thể được sắp xếp thành 4 nhóm chính. Dự kiến đến năm 2012, biểu tượng búp sen màu xanh lá cây sẽ được gắn trên những khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn về bảo vệ môi trường để giới thiệu, quảng bá và khẳng định chất lượng du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng nhãn sinh thái "Bông sen xanh" do Tổng cục Du lịch tổ chức (từ ngày 15 đến 23-12), có 15 tác phẩm dự thi của 7 tác giả. Giải nhất thuộc về tác giả Vũ Thị Thu Hoài, họa sỹ Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội) với biểu trưng là một bông sen to màu xanh nằm ở chính giữa cùng với 5 bông sen nhỏ thể hiện các cấp độ khác nhau của tiêu chí nhãn du lịch bền vững. Năm 2010 là một năm thành công của ngành du lịch khi đón được 5,05 triệu lượt khách quốc tế (tăng 34,8% so với năm 2009) và 28 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu đạt hơn 5 tỷ USD. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.