Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể thao người khuyết tật Việt Nam: Hướng tới những đỉnh cao mới

Ngân Hà| 05/09/2021 06:31

(HNM) - Tại Thế vận hội thể thao người khuyết tật mùa hè 2020 vừa diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản (Paralympic Tokyo 2020), Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có 15 thành viên, trong đó có 7 vận động viên tranh tài ở ba môn: Cử tạ, bơi, điền kinh. Với tấm Huy chương bạc ở nội dung cử tạ, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã thi đấu thành công tại đấu trường này. Đây là tiền đề để các vận động viên hướng đến những đỉnh cao mới.

Niềm vui của lực sĩ Lê Văn Công sau khi giành được tấm Huy chương bạc nội dung cử tạ tại Paralympic Tokyo 2020.

Vượt qua chính mình

Tham dự Paralympic Tokyo 2020, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có 7 vận động viên tranh tài gồm: Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (bơi lội); Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ); Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh). Đoàn không đặt mục tiêu huy chương, song với quyết tâm cao nhất, các vận động viên khuyết tật đã thi đấu nỗ lực, vượt qua thành tích của chính mình tại Thế vận hội.

Gây ấn tượng trong ngày thi đấu thứ hai (ngày 26-8) tại Paralympic Tokyo 2020, là tấm Huy chương bạc ở nội dung cử tạ nam 49kg của lực sĩ Lê Văn Công. Anh đã giành tấm Huy chương bạc khi cùng đạt mức tổng cử 173kg với vận động viên giành Huy chương vàng là Qarada Omar (Jordan).

Theo huấn luyện viên đội tuyển cử tạ người khuyết tật Lê Quang Thái, tấm Huy chương bạc của Lê Văn Công được ví “quý như vàng”, bởi trong suốt 2 năm vừa qua, Lê Văn Công và các vận động viên khác không có điều kiện thi đấu cọ xát quốc tế. Với chấn thương vai từ năm 2019, Lê Văn Công vừa phải điều trị, vừa tập luyện, nên không thể đạt phong độ tốt nhất.

Lực sĩ Lê Văn Công chia sẻ: “Tấm huy chương này là phần thưởng xứng đáng sau quá trình điều trị chấn thương, tập luyện của tôi. Tôi muốn truyền cảm hứng đến những người chơi thể thao rằng: Hãy cố gắng tập luyện, đừng bỏ cuộc, vinh quang sẽ đến với các bạn!”.

Bên cạnh đó, một số vận động viên khác của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng đạt những thành tích đáng khích lệ, như: Vận động viên Đỗ Thanh Hải và vận động viên Trịnh Thị Bích Như đã thi đấu xuất sắc, lọt vào vòng chung kết nội dung 100m bơi ếch hạng thương tật SB5; hay vận động viên Nguyễn Thị Hải (điền kinh) hụt tấm Huy chương đồng, khi phải dừng bước ở vị trí thứ tư, nội dung ném đĩa nữ ngồi hạng thương tật F57.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Hồng Minh, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020 cho rằng, đây là thành tích đáng tự hào, bởi trước khi tham dự đấu trường này, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam không đặt mục tiêu huy chương cho các vận động viên, mà chỉ quyết tâm vượt qua thành tích của chính mình.

Chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam Huỳnh Vĩnh Ái, Thế vận hội là đấu trường khắc nghiệt, dù chưa đạt thành tích như mong muốn, nhưng các vận động viên Việt Nam đã thi đấu hết mình. Do kinh phí cùng các nguồn tài trợ còn nhiều hạn chế, nên việc tập luyện và thi đấu của vận động viên thể thao người khuyết tật rất khó khăn. Bên cạnh đó, trong 2 năm gần đây các vận động viên không được đi tập huấn, thi đấu cọ xát ở nước ngoài do dịch Covid-19, ảnh hưởng nhiều đến thành tích thi đấu. Từ kết quả thi đấu của các vận động viên tại Paralympic Tokyo 2020, thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho các đấu trường tiếp theo, trong đó có Giải vô địch Cử tạ dành cho người khuyết tật thế giới 2021, diễn ra vào tháng 11-2021, Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) sắp diễn ra tại Việt Nam.

Còn theo huấn luyện viên Lê Quang Thái, để chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới, ngay sau khi trở về từ Paralympic Tokyo 2020, đội tuyển cử tạ khuyết tật Việt Nam sẽ bắt tay ngay vào tập luyện.

Trong khi đó, vận động viên Nguyễn Thị Hải (điền kinh người khuyết tật) chia sẻ: "Từ nay đến khi ASEAN Para Games 11 diễn ra, tôi và các vận động viên khác sẽ phải nỗ lực tập luyện để giữ thể lực, cố gắng giành kết quả tốt nhất khi thi đấu dưới màu áo đội tuyển Việt Nam".

Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Tổng cục sẽ tạo mọi điều kiện cho các vận động viên thể thao người khuyết tật tập luyện, duy trì thể lực. Cùng với đó, lên kế hoạch đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài nhằm tăng cường cọ xát, ổn định tâm lý, kinh nghiệm để giành thành tích cao tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, trong đó tập trung vào các môn trọng điểm, có khả năng giành thành tích cao như: Điền kinh, bơi, cờ và cử tạ. Tổng cục cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn kinh phí nhằm cải thiện chế độ bồi dưỡng, dinh dưỡng đặc thù cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể thao người khuyết tật Việt Nam: Hướng tới những đỉnh cao mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.