(HNM) - Sự kết hợp giữa thể thao và du lịch có thể là gợi mở để cả hai lĩnh vực trên cùng phát triển, không “khép cửa”, “việc ai nấy làm”… như hiện nay.
Bài đầu: Tiềm năng chưa được khai thác
“Trước khi đi tham quan, du lịch ở đâu, tôi thường tìm hiểu ở đó có giải chạy nào không để có thể kết hợp cả thi đấu thể thao và du lịch” - đó là tâm sự của anh Phạm Duy Cường, một trong những người Việt Nam tham dự nhiều giải marathon nổi tiếng trên thế giới. Thế rồi câu hỏi “Hà Nội đã có những sản phẩm thể thao nào để tăng thêm sự chọn lựa cho khách du lịch?” nảy ra…
Giải chạy ngoài bãi sông Hồng “Songhong Trail 2017” thu hút nhiều du khách tham gia. |
Nguồn cung quá ít
Theo anh Lương Văn Tuân, một môn sinh võ phái cổ truyền Nhất Nam và cũng là Giám đốc Công ty du lịch Vietbeautytours, trên địa bàn Hà Nội đã có những sản phẩm du lịch liên quan đến thể thao, song chỉ là tự phát. Đó là khoảng trống mà nhiều doanh nghiệp du lịch cũng như chính người làm thể thao, tổ chức các giải thể thao chưa khai thác.
Anh Lương Văn Tuân bước vào lĩnh vực du lịch được vài năm, cũng đã nổi tiếng với những tour “lạ” và “độc” dành cho khách nước ngoài. Gần đây, anh Tuân bắt đầu chú ý đến thể thao khi được một đồng môn gợi ý tổ chức tour đến những lò võ cổ để du khách cảm nhận được tinh thần, tinh hoa và triết lý của võ cổ truyền Việt Nam. Thế nhưng, qua tìm hiểu, anh Tuân nhận thấy rằng, ở Hà Nội hiện mới chỉ có tour đánh golf kết hợp du lịch cho khách nước ngoài. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng khách đánh golf kết hợp du lịch tại Hà Nội, song khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản... khá đông.
Khoảng 2-3 năm trước, cũng có một đàn anh của anh Lương Văn Tuân trong nghề du lịch đưa ra gói sản phẩm thể thao cho khách du lịch ở khu vực phố cổ Hà Nội là thi đấu bóng đá với một đội bóng ở địa phương. Song, vì nhiều lý do, sản phẩm này nhanh chóng… biến mất.
Trước đó, vào khoảng năm 2002, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục - Thể thao) cũng đã được một số doanh nghiệp du lịch Nhật Bản nhờ làm cầu nối với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam để có thể xây dựng những gói tour cho khách du lịch người Nhật Bản thích chạy bộ. Nhu cầu của khách khá đơn giản, chỉ cần cung đường dài khoảng 20km, chạy qua một số địa danh nổi tiếng ở vùng nông thôn của Việt Nam.
Trong khi chạy, nếu thấy người dân đang làm ruộng thì khách có thể dừng lại trò chuyện, chụp ảnh. Phía công ty du lịch của Nhật Bản lo liệu chi phí cho việc tổ chức tour, còn phía Việt Nam chỉ lo đường chạy. Khi đó, ông Thủy cũng đã vạch ra được 3 cung đường chạy ở khu vực Bắc Ninh và Hà Nội, nhưng Liên đoàn Điền kinh Việt Nam không dám thực hiện. Đến giờ, ông Thủy vẫn tiếc!
Phải đến thời gian gần đây, việc triển khai các tour du lịch kết hợp thể thao mới bắt đầu được thúc đẩy, dù chưa có chiến lược rõ ràng. Trong đó, lễ hội đua thuyền truyền thống trên hồ Tây những ngày đầu năm vừa qua đã thu hút hàng nghìn du khách, người dân đến xem, cổ vũ là một minh chứng. Sau lễ hội này, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã bắt tay xây dựng lễ hội đua thuyền truyền thống thành giải thường niên, dài ngày hơn (từ 1 ngày lên thành 3 ngày) để thu hút du khách. Ngay như Ban Tổ chức Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình, từ năm 2017, cũng đã tính tới phương án cho phép khách du lịch nước ngoài đăng ký thi đấu…
Dù đã thêm một số đầu việc, song vẫn còn quá ít so với tiềm năng để tạo nên những “sản phẩm thể thao” đủ hút khách du lịch và giữ chân họ ở lại Hà Nội lâu hơn.
Không thiếu sản phẩm đặc sắc
Anh Phạm Duy Cường là chủ một công ty tổ chức các sự kiện trong cộng đồng người chạy bộ ở Việt Nam. Hằng tuần, công ty của anh đều tổ chức các giải nhỏ, không tính phí tham dự cho những người Việt Nam, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Hà Nội. Khi đề cập đến việc tạo những gói sản phẩm cho khách du lịch ưa thích chạy bộ, anh Cường đã đưa ra rất nhiều ý tưởng. Nào là tour chạy bộ quanh hồ Tây để khách vừa chạy, vừa ngắm phong cảnh và được bạn chạy kể về những địa danh nổi tiếng nơi đây.
Thậm chí, hồ Tây còn có thể trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức thi 3 môn phối hợp: Đua thuyền rowing hoặc kayak, rồi lên bờ đạp xe đạp và kết thúc là chạy bộ khoảng 10km. Hay tour trong nội đô vào sáng sớm, chạy qua các phố cổ; tour chạy bộ ven bãi sông Hồng, qua những làng nghề nổi tiếng… Anh Cường tin rằng, nếu có kế hoạch bài bản, dài hạn để kết hợp du lịch với thể thao, chắc chắn sẽ thành công.
Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến chuyến du lịch lần đầu đến Singapore của mình. Lúc ấy, nếu không biết chắc rằng có cuộc chạy 5km vào mỗi sáng thứ bảy ở công viên ven biển của nhóm chạy Parkrun (chạy trong công viên) mà tôi là thành viên, có lẽ tôi đã không đến Singapore.
Còn anh Phạm Duy Cường chia sẻ, nếu không có các giải marathon, chưa chắc gia đình anh đã được tham quan, du lịch nhiều thành phố trên thế giới như vậy. Không ít thành phố với những giải marathon nổi tiếng như: Barcelona (Tây Ban Nha), Athens (Hy Lạp)… đã có dấu giày của anh Cường và gia đình.
Đặc biệt, võ cổ truyền cũng có quá nhiều điều để khách du lịch khám phá văn hóa Việt. Ngoài Nhất Nam, trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều môn phái võ thuần Việt khác, với triết lý mang nặng văn hóa của người Việt như Thiên Môn Đạo ở huyện Ứng Hòa. Võ sư Trần Mạnh Hà của võ phái Nhất Nam cho biết: Thầy và trò Nhất Nam rất muốn quảng bá môn võ của mình. Nếu có khách tìm đến thông qua các công ty du lịch, thì đó là cơ hội quý giá để quảng bá môn võ Nhất Nam tới người nước ngoài.
Ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Quản lý Thể dục - Thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành có thể khai thác được nhiều tiềm năng sẵn có của thể thao Hà Nội để tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Làm được như vậy, vừa giải quyết được bài toán kinh tế thể thao, vừa đóng góp tích cực vào phát triển du lịch của thành phố…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.