(HNM) - “Vì sao lạc xứ” - vở diễn ra mắt của Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã để lại ấn tượng trong khán giả Thủ đô. Khắc họa nhân vật có ít tư liệu ghi lại - Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly), Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên chia sẻ, đạo diễn sử dụng các thủ pháp thể nghiệm để lý giải câu chuyện lịch sử xung quanh nhân vật này.
Vở “Vì sao lạc xứ” là tác phẩm được thực hiện theo đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tác phẩm tái hiện cuộc đời lưu lạc của Hồ Nguyên Trừng, một nhà kỹ thuật quân sự tài ba, người phát minh ra súng thần cơ. Ông từng là tướng của nhà Hồ, có nhiều đóng góp về khoa học quân sự và chỉ huy quân đội kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ XV. Về sau, Hồ Nguyên Trừng cùng cha bị nhà Minh bắt về phương Bắc, từ đó ít có tư liệu ghi lại giai đoạn này. Chính cuộc đời mang nhiều dấu ấn của ông đã thôi thúc tác giả Nguyễn Toàn Thắng và đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên tìm hiểu, lý giải bằng nghệ thuật.
“Chúng tôi muốn khai thác nhân vật này theo góc nhìn của người đương đại. Dẫu ở phương Bắc nhưng trong lòng ông luôn hướng về đất mẹ, khát khao được trở về quê hương. Đó là bi kịch của người tài trong cảnh loạn lạc, ly hương”, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên chia sẻ. Đây cũng là vở diễn đầu tiên của Đoàn Nghệ thuật thể nghiệm mới được Nhà hát Cải lương Việt Nam thành lập. Vì vậy, ê kíp đã dụng tâm sáng tạo, đưa nhiều thể nghiệm vào tác phẩm, đem đến trải nghiệm mới cho khán giả.
Thể nghiệm đầu tiên là ở nội dung tác phẩm khi tác giả sáng tác nhân vật Vân Khanh - tri kỷ của Hồ Nguyên Trừng nơi đất khách quê người. Đây là một ý tưởng thông minh bởi từ nhân vật này, những mảnh ghép lịch sử được kết nối một cách rất “đời”, nút thắt của câu chuyện kịch cũng được tháo gỡ nhẹ nhàng từ đó. Vân Khanh là người được nhà Minh cài bên Hồ Nguyên Trừng, sử dụng "mỹ nhân kế" hòng khai thác bí quyết chế tạo súng và thuốc nổ. Nhưng hấp dẫn ở chỗ, Vân Khanh và Hồ Nguyên Trừng đã phải lòng nhau. Những đấu tranh, giằng co giữa sứ mệnh và tình yêu được khai thác vừa vặn trong vở cải lương, vừa hóa giải được câu chuyện lịch sử còn nhiều dấu hỏi, vừa đem lại cho khán giả những giây phút xúc động, trữ tình thông qua các màn ca vọng cổ vốn là điểm mạnh của nghệ thuật cải lương.
Bên cạnh nhân vật Vân Khanh, Hồ Quý Ly dù được khai thác ngắn gọn, chỉ xuất hiện trong 10 phút, nhưng chính nhân vật này là sợi dây xuyên suốt tác phẩm, thể hiện quan điểm của ê kíp sáng tạo. Dù cuộc đời của cha con Hồ Quý Ly vẫn còn có tranh luận về công - tội, nhưng trong tác phẩm, cả hai nhân vật đều mang lòng tự tôn dân tộc, đau đáu nỗi niềm phụng sự đất nước, quyết không chịu khuất phục trước kẻ địch; nhưng vì hoàn cảnh trớ trêu nên chưa hoàn thành tâm nguyện.
Cùng với các diễn viên "vững" như Quang Khải (vai Hồ Quý Ly), Xuân Thông (vai quan thứ sử), Văn Dương (vai Ngạn Thân), đạo diễn đã thành công khi giao vai chính cho các diễn viên trẻ thử sức, như Văn Đáng (vai Hồ Nguyên Trừng), Minh Nguyệt (vai Vân Khanh). Đáng chú ý, Minh Nguyệt là một trong 6 gương mặt trẻ mới tốt nghiệp hệ trung cấp bộ môn cải lương của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội có cơ hội góp mặt trong vở diễn. Sự xuất hiện của lớp diễn viên trẻ triển vọng này hứa hẹn đem đến làn gió tươi mới cho nghệ thuật cải lương phía Bắc.
Một trong những thể nghiệm hiệu quả nữa ở vở "Vì sao lạc xứ" là việc thiết kế sân khấu phân tách nhiều không gian khác nhau, kết hợp với ánh sáng, âm nhạc, múa để tạo thành nhiều bối cảnh diễn, đồng thời giúp sân khấu luôn “sống” kể cả trong lúc chuyển cảnh.
Tuy còn đôi chỗ chưa được xử lý nhuần nhị, như liều lượng xuất hiện của các nhân vật phụ có ý nghĩa mấu chốt, hay bối cảnh của các tình huống kịch, song phải thừa nhận đây là một tác phẩm giàu thể nghiệm, hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay, xóa đi định kiến rằng nghệ thuật cải lương sướt mướt, ủy mị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.