Góc nhìn

Thế mạnh và kỳ vọng

Bắc Vũ 13/09/2023 - 07:06

Ngành Nông nghiệp tiếp tục đón nhận thông tin tích cực, khi mặt hàng chủ lực là gạo xuất khẩu trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm 2023.

Kỷ lục này đã mang về kim ngạch gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng qua đạt 542 USD một tấn, tăng 11,5%.

Được coi là cường quốc xuất khẩu gạo, do đó, những con số tăng trưởng cả về lượng và chất càng cho thấy thế mạnh cũng như vai trò của mặt hàng quan trọng này đối với nền kinh tế trong nước và hơn thế là đóng góp vào bảo đảm an ninh lương thực - một vấn đề đang ngày càng trở nên nóng bỏng và mang tính toàn cầu.

Xét nhu cầu tăng mạnh trên thị trường toàn cầu cũng như nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, tình hình sản xuất lúa gạo trong nước tiếp tục ổn định, khi năm nay sản lượng lúa sẽ đạt mục tiêu đề ra là 43 triệu tấn.

Với những điều kiện thuận lợi đang có, ngành lúa gạo nước ta kỳ vọng sẽ đạt kỷ lục mới về xuất khẩu trong năm nay.

Vấn đề trọng tâm hiện nay đã, đang được các bộ, ngành chức năng, địa phương, đặc biệt là các thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện là triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là duy trì mức dự trữ lúa gạo lưu thông tối thiểu theo quy định.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá lúa gạo đang “neo” ở mức cao, các ngành chức năng, địa phương cần ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước và làm giảm uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, hiện nay, vụ sản xuất hè thu gần kết thúc và bước sang vụ thu đông, do vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục tập trung tổ chức sản xuất lúa gạo bảo đảm mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch. Lưu ý là cần kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại lúa gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch theo từng chủng loại để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Cùng với phát huy vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, ngành sản xuất lúa gạo nước ta phải hướng đến phát triển bền vững bằng việc tiếp tục nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh triển khai chương trình, hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam. Đặc biệt, cần khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, cần vừa tận dụng những hỗ trợ, hướng dẫn từ cơ quan chức năng, vừa nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.

Tựu trung, việc tăng trưởng sản lượng lúa gạo xuất khẩu phải đi cùng với gia tăng chất lượng và giữ gìn uy tín, thương hiệu. Đấy chính là cách làm lâu bền để giữ được thế mạnh và đạt được kỳ vọng không chỉ riêng với mặt hàng lúa gạo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế mạnh và kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.