(HNM) - Hà Nội nổi tiếng bởi có nhiều nông sản, đặc sản quý được người tiêu dùng ưa chuộng. Phát huy tiềm năng, thời gian qua, ngoài tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thành phố đã chú trọng mở rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo thế mạnh mới cho Nông nghiệp Thủ đô.
Nhãn chín muộn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức) đã được trao giấy chứng nhận VietGap.Ảnh: Thái Hiền |
Bài đầu: Tạo dựng vị thế riêng
Chuyển đổi mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sử dụng kỹ thuật cao, năng suất, chất lượng sản phẩm bảo đảm, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, nông sản Hà Nội đã bước đầu tạo được vị thế riêng trên thị trường. Qua đó, giúp người tiêu dùng Thủ đô không những biết được sản phẩm đặc trưng của địa phương mà còn hình thành thói quen sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn.
Định hình vùng sản xuất tập trung
Tận dụng vùng đất bãi ven sông, xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả với cây trồng chủ lực là cam đường. Sau dồn điền đổi thửa, hầu hết người dân ở đây thoát ly hẳn cây lúa và chuyển sang trồng cây ăn quả với diện tích khoảng 130ha (gồm cam, ổi...); diện tích còn lại 60ha trồng rau màu. Theo UBND xã Kim An, cây ăn quả của xã hiện cho thu nhập ổn định từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm, rau màu từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm.
Trong khi đó, tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), tận dụng lợi thế đất nông nghiệp màu mỡ ven sông Đáy, xã đã chuyển đổi toàn bộ sang trồng rau, màu với diện tích hơn 100ha. Trong đó hiện có 30ha trồng rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả cao. Dự kiến đến năm 2020, xã sẽ tăng diện tích trồng rau an toàn lên 50ha.
Tương tự, ở nhiều huyện trên địa bàn thành phố đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững, tạo ra nhiều mô hình hiệu quả, giá trị cao. Cụ thể, Hà Nội đã hình thành 154 cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng (quy mô từ hơn 100ha/cánh đồng trở lên) tập trung tại các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Đông Anh; 101 vùng trồng rau an toàn tập trung với tổng diện tích 5.100ha (quy mô từ 20ha/vùng trở lên) cho giá trị thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm tại các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng... Hiện sản lượng rau an toàn ước đạt 350.000 tấn/năm, đáp ứng 65% nhu cầu tiêu dùng của thành phố…
Cùng với đó, nhiều địa phương đã dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả để xây dựng trang trại lớn. Hiện Hà Nội có 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, phát triển 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư. Đặc biệt, trên địa bàn đã hình thành 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Hiệu quả kinh tế tại các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở các huyện: Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ... hiện đạt từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Về nuôi trồng thủy sản, thành phố đã có 56 vùng tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín... với năng suất đạt từ 10 đến 12 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm...
Đánh giá cao hiệu quả trong lĩnh vực này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định: Nông nghiệp Hà Nội đang tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng hiệu quả, đã định hình các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng lớn nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Bảo đảm chất lượng để tiêu thụ ổn định
Mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) đang phát huy hiệu quả kinh tế. |
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, từ năm 2012, hợp tác xã được chọn tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố. Đến nay, mô hình này vẫn được duy trì, phát triển bền vững với diện tích hơn 100ha, chủ yếu là các giống: Bắc thơm số 7, nếp cái hoa vàng. Nhờ chất lượng bảo đảm, hiện nay toàn bộ sản phẩm gạo của xã được tiêu thụ ổn định qua ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp...
Về rau an toàn, sau nhiều năm gây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm rau an toàn của thành phố tiêu thụ khá ổn định, bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, hiện đơn vị có 250ha trồng rau với 30 chủng loại, trong đó có 15ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì chất lượng bảo đảm, sản phẩm rau an toàn được tiêu thụ mạnh trong các siêu thị lớn như Aeon, Metro, miền Trung, miền Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc...
Trong lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi giá trị đã kiểm soát từ con giống, giết mổ, sơ chế, chế biến, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng 13.000m2 của anh Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đã trở thành "địa chỉ xanh - nông sản sạch" với nhiều sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Anh Lâm chia sẻ: “Do trồng trọt, chăn nuôi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên kiểm soát được dịch bệnh. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đến tận trang trại để ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm".
"Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã góp phần tạo dựng được vị thế khá vững chắc tại thị trường trong và ngoài nước cho nông sản. Nhiều đặc sản nông sản của thành phố còn được bảo hộ nhãn hiệu. Đây là những bước đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Thủ đô" - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.