(HNM) - Khép lại những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cũng là lúc bộ phim truyền hình “Mùa xuân ở lại” kết thúc. Nhưng dư âm của bộ phim vẫn ở lại trong lòng khán giả, đặc biệt là sự trở lại trong vai người mẹ của Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương (Bông). Dù là một vai diễn nhỏ, song “mẹ chồng quốc dân” Lan Hương vẫn cho thấy sự lao động nghiêm túc để thể hiện được vẻ đẹp đa chiều của những người mẹ Việt Nam.
“Mùa xuân ở lại” là phim về đề tài miền núi, xoay quanh cuộc sống của các cô giáo “cắm bản”, các em học sinh, bà con dân tộc thiểu số và những chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Tuy không phải là những câu chuyện hiện đại, sôi động ở thành thị, nhưng ê kíp làm phim cùng dàn diễn viên nổi tiếng đã tạo sức hút cho “Mùa xuân ở lại” trong những ngày Tết Nguyên đán.
Đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Danh Dũng, biên kịch Thủy Vũ - Khánh Hà, biên tập Thu Thủy, quay phim Phạm Huy Phan đều là những người đã từng làm nên bộ phim gây “sốt” suốt một thời gian dài - “Về nhà đi con”. Dàn diễn viên đẹp và được yêu mến không kém bất cứ phim truyền hình dài tập nào, gồm Lương Thu Trang, Huỳnh Anh, Tô Dũng, Khuất Quỳnh Hoa… và đặc biệt là Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương đã cũng góp phần gây sự chú ý cho phim.
Sau khi vào vai vị trưởng phòng khá cứng nhắc, hay soi mói người khác trong bộ phim truyền hình “Những công dân gương mẫu”, Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương trở lại với vai người mẹ quen thuộc. Đó là một bà mẹ ở nông thôn, buôn bán cá, có cô con gái duy nhất tốt nghiệp sư phạm quyết định lên miền núi dạy học một thời gian để kiếm suất biên chế, rồi trở về. Con gái có người yêu ở quê, lại vất vả ngược rừng núi hiểm trở, thiếu thốn, mẹ nào cũng xót. Nhưng những gặp gỡ, va chạm, cùng tình cảm chân thành của bà con dân bản, cô cậu học trò bé nhỏ và cả những chiến sĩ biên phòng quả cảm đã làm thay đổi suy nghĩ của cô con gái về miền núi. Lúc này, người mẹ do Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương thủ vai gạt nỗi cô đơn, lo lắng để động viên, ủng hộ con theo đuổi tình yêu, cảm xúc của mình.
Tuy đây là một vai nhỏ, không dài hơi như “Sống chung với mẹ chồng”, song Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương vẫn trân trọng và vào vai trọn vẹn, nghiêm túc. Khác với bà mẹ ở thành thị, nghệ sĩ Lan Hương hóa thân dung dị, tự nhiên, sử dụng thuần thục mọi dụng cụ, phương tiện của người dân miền biển. Sự tháo vát, tâm lý, ánh mắt trìu mến, vị tha được nghệ sĩ hóa thân thuyết phục, xuất thần đủ để khẳng định, đây là một dấu ấn nghệ thuật mới của Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương. Nghệ sĩ này tâm sự rằng, mình vào nhiều vai bà mẹ, kể cả khi còn rất trẻ và luôn tự hào về điều này. “Vẻ đẹp của những người mẹ Việt Nam đa dạng và có diễn biết bao nhiêu lần cũng không thể lột tả hết. Người mẹ dù ở nông thôn hay thành thị, giàu sang, phú quý hay vất vả, lam lũ đều có nỗi niềm và tính cách riêng để diễn viên khám phá, thể hiện. Song, họ có điểm chung là sự nhân hậu, vị tha, yêu thương con cái vô bờ”, nữ diễn viên kỳ cựu tâm sự.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, chị rất vui vì góp phần mang đến cho khán giả truyền hình một bộ phim Tết có ý nghĩa như “Mùa xuân ở lại”. Tuy lấy bối cảnh miền núi, câu chuyện không mới, nhưng những tình tiết, lời thoại tự nhiên, gần gũi, cảm động, cùng những cảnh quay đẹp, giàu nghệ thuật đã khiến khán giả trông chờ trong suốt dịp Tết vừa qua. Sự khéo léo lồng ghép khung cảnh mùa xuân, ngày Tết ở miền biển và miền núi, cùng cái kết nhân văn cũng phần nào làm nên thành công của một phim truyền hình Tết.
Ở ngoài đời, Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương là một bà mẹ chồng không dễ dãi, nhưng không quá hà khắc. Năm vừa rồi, vợ chồng Lan Hương - Đỗ Kỷ có thêm một cô con dâu nữa và cả hai cô con dâu đều yêu quý mẹ chồng. Với chị, chị luôn trân trọng, giữ gìn nếp nhà như kính trên nhường dưới, lễ phép, tôn trọng mọi thành viên trong gia đình và quan trọng nhất là chân thành yêu thương nhau...
Với nhiều bộ phim đang thực hiện, khán giả còn gặp Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương với những vai diễn người mẹ đa dạng với nhiều biến hóa tài tình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.