Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể hiện trách nhiệm của chủ thể

Dục Tú| 17/04/2016 06:14

(HNM) - Mùa lễ hội xuân Bính Thân 2016 đã khép lại. Thông qua đánh giá của cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương có tổ chức lễ hội cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng, về cơ bản có thể đưa ra nhận định là mùa lễ hội năm nay có sự tiến bộ so với trước, cả trên phương diện quản lý và tổ chức thực hiện.

Tại Hà Nội, với một số lễ hội lớn như Cổ Loa, Chùa Hương, Đền Sóc, nhiều vấn đề bức xúc trong dư luận ở mùa lễ hội năm 2015 đã cơ bản được khắc phục. Tục "cướp lộc" đã bớt đi nét dữ dội, không còn mang tính tranh đoạt bằng mọi giá. Những hành vi phản cảm, những hiện tượng mang tính thương mại hóa lễ hội như chèo kéo khách sử dụng dịch vụ, nhét tiền vào tay tượng (từng bị báo chí lên án trong mùa lễ hội năm 2014), kinh doanh ấn phẩm mê tín dị đoan và đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội, nạn "chặt chém"… đã giảm so với trước. Không chỉ ở Hà Nội, sự tiến bộ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương khác. Bắc Ninh đỡ mang tiếng khi tục "chém lợn" diễn ra kín đáo, không có cảnh phản cảm trước du khách. Sự hỗn độn đến mức không thể kiểm soát, thường thấy tại lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định), nay đã được hạn chế đáng kể…

Nét tiến bộ nói trên có được do nhiều nguyên nhân, cần được xem xét, đánh giá kỹ nhằm tạo tiền đề cho việc tổ chức, quản lý lễ hội trong thời gian tới. Như tại Hà Nội, cần ghi nhận sự vào cuộc một cách thực chất, với quyết tâm cao của các bộ phận liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là vai trò của chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cơ quan Đảng các cấp về tổ chức và quản lý lễ hội. Về điểm này, đáng lưu ý là trước mùa lễ hội 2016, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nêu rõ quan điểm "Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã là người trực tiếp chịu trách nhiệm về các vấn đề xảy ra tại lễ hội trên địa bàn". Quan điểm chỉ đạo này góp phần thúc đẩy các ban tổ chức lễ hội chủ động đề ra hành động cụ thể nhằm loại bỏ hoặc hạn chế hành vi phản cảm thay vì chỉ tuyên truyền, chỉ đạo chung chung. Chẳng hạn, lực lượng công an không chỉ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự tại khu vực tổ chức lễ hội Chùa Hương, mà đã chủ động thực hiện phương án triệt phá những nhóm người chuyên lôi kéo, lừa đảo khách ngay từ vòng ngoài. Một số ban tổ chức thực hiện mô hình trông giữ xe miễn phí, gián tiếp giúp hạn chế tình trạng "chặt chém" thường xảy ra tại các bãi giữ xe…

Những mô hình hay, những bài học kinh nghiệm hữu ích tại Hà Nội và một số địa phương khác cần được xem xét để hoàn thiện, nhân rộng, nhằm mục tiêu quản lý và tổ chức lễ hội ngày một tốt hơn - không chỉ với những lễ hội lớn, mà với gần 8.000 lễ hội diễn ra trong một năm, trên phạm vi cả nước; cả lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử - cách mạng, lễ hội tôn giáo cũng như lễ hội du nhập từ nước ngoài. Chắt lọc kinh nghiệm của Hà Nội, có thể thấy rằng, muốn quản lý và tổ chức tốt lễ hội cần phát huy vai trò, trách nhiệm và mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa cơ quan quản lý, ban tổ chức với cộng đồng - những thành tố hợp thành chủ thể tổ chức lễ hội. Trong mối quan hệ đó, bộ máy chính quyền bảo đảm an ninh trật tự, y tế, sẵn sàng can thiệp khi lễ hội nảy sinh hiện tượng tiêu cực cũng như tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành luật pháp; cộng đồng phát huy vai trò làm chủ sinh hoạt diễn xướng, thực hành nghi lễ truyền thống nhằm bảo đảm tính đa dạng văn hóa và bản sắc vùng miền. Nói cách khác, với công tác tổ chức lễ hội, điều quan trọng là các bên tham gia vào công tác này cần phải nâng cao ý thức, thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình một cách cụ thể, thiết thực, đúng định hướng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện trách nhiệm của chủ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.