Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới nỗ lực vực dậy ngành ''công nghiệp không khói''

Quỳnh Dương| 28/06/2020 05:23

(HNMCT) - Sau hơn 3 tháng “gồng mình” ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang từng bước mở cửa trở lại nhằm hồi sinh các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa đón khách vừa bảo đảm an toàn về mặt y tế.

Italia vừa mở cửa biên giới với các nước châu Âu để đón khách du lịch trở lại.

Trong những tuần qua, hoạt động kinh tế - xã hội tại Hy Lạp dần trở lại bình thường. Theo Bộ Du lịch nước này, từ ngày 1-7, tất cả các sân bay của Hy Lạp sẽ mở cửa đón các chuyến bay quốc tế. Việc nhập cảnh qua đường biển cũng sẽ được nối lại từ đầu tháng 7. Hy Lạp công bố danh sách công dân của 29 nước có thể du lịch tới thủ đô Athens và Thessaloniki - thành phố lớn thứ hai của quốc gia này. Danh sách dựa trên dữ liệu về dịch bệnh của Cơ quan An toàn hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) và khuyến cáo của các nhà khoa học trong nước.

Du khách tới từ 29 nước này sẽ chỉ cần xét nghiệm virút SARS-CoV-2 khi đến Hy Lạp. Còn du khách tới từ các nước có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải xét nghiệm khi nhập cảnh và ở lại một đêm trong khách sạn được chỉ định; nếu có kết quả âm tính, hành khách vẫn phải tự cách ly trong 7 ngày. Nếu kết quả dương tính, hành khách sẽ được cách ly giám sát trong 14 ngày.

Trước đó, ngày 9-6, Cộng hòa Síp đón chào những du khách đầu tiên sau gần 3 tháng áp đặt lệnh phong tỏa. Bộ trưởng Bộ Giao thông Yiannis Karousos cho biết, Síp cho phép đón các chuyến bay tới từ 19 quốc gia được đánh giá có nguy cơ dịch Covid-19 ở mức thấp, trong đó có Israel, Hy Lạp, Đức, Áo và Malta; Anh và Nga, hai thị trường khách du lịch ngoại quốc lớn nhất của đảo quốc này vẫn chưa có tên trong danh sách được phê duyệt. Tất cả hành khách đáp các chuyến bay tới Síp từ ngày 9 đến 19-6 cần cung cấp giấy chứng nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Kể từ ngày 20-6, công dân từ 13 trong 19 quốc gia nói trên không cần phải trình giấy chứng nhận này, và sẽ có thêm 6 quốc gia khác được bổ sung vào danh sách nối lại hoạt động hàng không với Síp, trong đó có Thụy Sĩ, Romania và Ba Lan. Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra thân nhiệt, xét nghiệm ngẫu nhiên (miễn phí) đối với các du khách.

Để đón du khách trở lại từ ngày 1-7, hiện Ai Cập đang tích cực khử khuẩn hệ thống khách sạn, các khu khảo cổ và bãi biển. Bộ trưởng Bộ Du lịch Khaled al-Anani khẳng định, nước này đang cố gắng tạo ra một điểm đến an toàn. Dự kiến, các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Đỏ, trong đó có Nam Sinai, và các bãi biển ở phía Tây thành phố Alexandria là những nơi đầu tiên được mở cửa trở lại. Các điểm tham quan hấp dẫn du khách hàng đầu, trong đó có Kim tự tháp Giza hay đền Karnak được mở lại song có kiểm soát. Như khu lăng mộ vua Tutankhamun chỉ cho phép tối đa 10 người vào cùng một lúc.

Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, Ai Cập đặt kỳ vọng vào ngành Du lịch - trụ cột của kinh tế nước này, và dự kiến đón 15 triệu lượt khách trong năm 2020, tăng 2 triệu lượt so với năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể khi các chuyến bay quốc tế bị hủy bỏ và các điểm du lịch phải đóng cửa. Hiện các khách sạn chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất. Các cơ sở lưu trú đều phải cung cấp khẩu trang và nước sát khuẩn, các khu vực công cộng thường xuyên được khử trùng.

Dù chưa có thống kê về thiệt hại của ngành Du lịch Ai Cập trong năm nay, song ước tính con số có thể lên tới 5 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Ai Cập cho biết sẽ cung cấp các khoản tín dụng trị giá 3 tỷ USD với lãi suất giảm còn 5% để hỗ trợ ngành “công nghiệp không khói”.

Tại châu Á, chính phủ Thái Lan đang cân nhắc kế hoạch tạo ra “bong bóng du lịch” với một số quốc gia khi mở cửa lại biên giới. Theo ông Taweesilp Witsanuyotin, phát ngôn viên của Trung tâm Covid-19 Thái Lan, “bong bóng du lịch” ban đầu có thể được giới hạn cho du khách trong các chuyến công tác hoặc tìm kiếm dịch vụ y tế, và khu vực nhập cảnh của họ có thể bị hạn chế. Danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ mà Thái Lan dự định mở cửa biên giới bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand...

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili cho biết, trong quý I/2020, lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm 22%, kéo theo thiệt hại khoảng 80 triệu USD. Trong đó, khu vực châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sau đó là các nước châu Âu. Trong trường hợp các quốc gia vẫn đóng cửa biên giới tới tháng 9, thiệt hại đối với ngành “công nghiệp không khói” vào khoảng 900 - 1.200 tỷ USD. Nghiêm trọng hơn, việc có từ 100 triệu đến 120 triệu lao động trong ngành Du lịch bị mất việc làm đe dọa đẩy lùi thành quả đã đạt được từ chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Do đó, việc nhiều quốc gia tìm cách vực dậy ngành Du lịch vào thời điểm này sẽ góp phần giảm nhẹ thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới nỗ lực vực dậy ngành ''công nghiệp không khói''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.