Du lịch

Du lịch Chương Mỹ: Đã có sản phẩm khác biệt nhưng chưa hút khách

Hoàng Lân 24/04/2025 - 12:34

Du lịch Chương Mỹ những năm gần đây thu hút du khách bởi những sản phẩm chuyên biệt như dù lượn ở Đồi Bù, chơi golf tại sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế... Mặc dù đã có sự khởi sắc, nhưng du lịch Chương Mỹ vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.

Sáng 24-4, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức khảo sát một số tuyến điểm du lịch và hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của huyện Chương Mỹ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025”.

chuong-my.jpg
Đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội tìm hiểu khu du lịch Mộc Lâm Viên. Ảnh: Hoàng Lân

Tạo điểm nhấn nhờ sản phẩm chuyên biệt

Nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, huyện Chương Mỹ được biết đến không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa, mà còn là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với hệ thống danh thắng, di tích, làng nghề truyền thống và cảnh quan sinh thái đặc sắc. Trên địa bàn huyện có 370 di tích và nhiều làng nghề đặc sắc, trong đó có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng như: chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Vô Vi, làng nghề mây tre đan Phú Vinh...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Bùi Mạnh Thắng, trong những năm qua, du lịch huyện Chương Mỹ có bước phát triển khá; hằng năm lượng khách tăng trung bình khoảng 15%, tổng thu từ khách du lịch tăng nhanh. Hiện nay, huyện Chương Mỹ có 14 điểm du lịch đang khai thác, tiêu biểu, đại diện cho các loại hình du lịch đã tạo thương hiệu cho du lịch Thủ đô như: Du lịch thể thao golf tại xã Hoàng Văn Thụ; dù bay – dù lượn tại Đồi Bù (xã Nam Phương Tiến); du lịch tâm linh tại chùa Trầm, chùa Trăm Gian; du lịch làng nghề thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa), du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp với dịch vụ giáo dục – học tập ngoại khóa tại xã Thủy Xuân Tiên, xã Nam Phương Tiến…

chuong-my-3.jpg
Khảo sát sân golf SkyLake tiêu chuẩn quốc tế tại Chương Mỹ. Ảnh: Hoàng Lân

Hiện nay, huyện Chương Mỹ đang xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông cùng với cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch. Huyện đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2025–2030, định hướng đến năm 2050; đồng thời cải tạo và nâng cấp các điểm du lịch như chùa Trầm, chùa Trăm Gian… Đây được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp địa phương kêu gọi các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch.

“Dự kiến đến hết năm 2025, du lịch Chương Mỹ sẽ đón khoảng 250 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 80 nghìn lượt. Doanh thu từ du lịch và các dịch vụ du lịch sẽ tăng dần qua các năm. Sự phát triển của du lịch bước đầu đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn huyện”, ông Bùi Mạnh Thắng cho biết.

Để du lịch ngoại thành cất cánh

Mặc dù có nhiều tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, và đã có một số sản phẩm du lịch nổi bật thu hút nhà đầu tư lớn, điển hình là du lịch golf SkyLake, song du lịch Chương Mỹ vẫn chưa tạo được sức bật. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhận định: Việc khai thác và phát triển các điểm đến du lịch của huyện còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các sản phẩm du lịch chưa được xây dựng một cách bài bản, thiếu sự kết nối chuỗi và chưa được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp lữ hành và du khách.

chuong-my-6.jpg
Sân golf SkyLake được biết đến là sân golf 36 lỗ tốt nhất gần thành phố Hà Nội, nơi thu hút khách quốc tế hạng sang. Ảnh: Hoàng Lân

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Bùi Mạnh Thắng thừa nhận, địa phương vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch, chưa có tour du lịch kết nối ấn tượng trên địa bàn mà mới chỉ dừng ở việc xây dựng các điểm đến riêng lẻ.

Đóng góp cho sự phát triển du lịch huyện Chương Mỹ, Giám đốc Công ty lữ hành Royal Tour Đào Thị Kim Lan cho rằng: Huyện có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đang thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, để du lịch Chương Mỹ thực sự “cất cánh”, ngoài việc quảng bá thì địa phương cần chú trọng đến việc kết nối giữa các điểm đến. Nhiều điểm du lịch trên địa bàn hiện nay mới chỉ phù hợp cho trải nghiệm ngắn ngày.

Tổng Giám đốc Công ty Quản lý điểm đến và Du lịch SGO Lê Thị Thu Trang nhận xét: Huyện Chương Mỹ cần có quy hoạch cụ thể, hướng tới từng nhóm đối tượng khách, bao gồm cả khách nội địa và khách quốc tế (Inbound). Với khách quốc tế đến chơi golf, cần phát triển thêm các dịch vụ phù hợp với nhu cầu riêng biệt của từng thị trường.

chuogn-my-8.jpg
Hội nghị "Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của huyện Chương Mỹ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025”. Ảnh: Hoàng Lân

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Du lịch KTS Đặng Văn Khang chia sẻ: Việc kết nối giữa các đơn vị lữ hành và điểm tham quan còn hạn chế. Địa phương cần có chính sách kết nối hiệu quả, chẳng hạn như chương trình combo ưu đãi, để các công ty lữ hành có thể dễ dàng xây dựng tour, đưa khách đến lưu trú và tham quan dài ngày tại địa phương. Trưởng ban Xúc tiến Thương Mại của Hiệp hội Du lịch Hà Nội Cù Thị Thu Thuỷ góp ý thêm, huyện Chương Mỹ có nhiều làng nghề nổi tiếng, vì thế địa phương nên kết nối thêm tour "về làng" để khách trải nghiệm làng nghề, mua bán sản phẩm làng nghề tại chỗ.

Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có huyện Chương Mỹ, nhằm tăng cường quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức các đoàn famtrip nhằm kết nối các đơn vị lữ hành, từng bước hình thành các tuyến du lịch ổn định, hấp dẫn trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Chương Mỹ: Đã có sản phẩm khác biệt nhưng chưa hút khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.