(HNMO) - Chiều 14-12, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã tổ chức diễn đàn trực tuyến với chủ đề: "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp".
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận xét, trước đại dịch Covid-19 và những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, nền kinh tế đối diện nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học - công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị...
"Với mục tiêu đặt ra là trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn để thực sự bứt phá", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Các đại biểu cũng cho rằng, thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh nhận định, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 là sự tiếp nối kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về khoa học - công nghệ.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp bao gồm cả sức chống chịu, thích ứng trước những diễn biến phức tạp từ bên trong cũng như bên ngoài.
Bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp thì hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Khi tạo ra thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển và vươn lên, hoạt động hiệu quả hơn.
Với doanh nghiệp, việc tái cơ cấu là vấn đề cốt lõi, quan trọng như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.