Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay vì

Nguyễn Triều| 13/03/2011 07:06

(HNM) - Trong những ngày này dư luận đang theo dõi rất sát hai sự kiện.



Một. Mùa tuyển sinh năm nay, để có nhiều thí sinh nộp đơn thi, nhiều trường đã thay đổi tên một số môn học. Nguyên nhân, như các nhà chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo giải thích, là vì học sinh cũng như phụ huynh rất thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về môn học. Vậy nên, để mở rộng hiểu biết, thông tin đầy đủ cho xã hội, nhiều môn học cần đổi tên gọi với mục đích:

1. Quốc tế hóa;

2. Đúng với tầm vĩ mô;

3. Theo đúng yêu cầu của thị trường.

Mới nghe đó đúng là những gì xã hội hiện nay đang cần. Nếu không có thêm chữ "Nhưng". Thay đổi chỉ có tên gọi, còn nội dung, phương pháp đào tạo vẫn như cũ, vẫn giữ nguyên.

Như vậy, môn học đó, ngành học đó mỗi năm một ít người theo học vì lý do gì? Vì tên gọi hay vì nội dung, phương pháp đào tạo? Chẳng hạn môn cơ khí đã "khởi sắc" từ ngày đổi thành cơ - tin. Nghĩa là cơ khí - tin học. Và mọi đổi mới cũng chỉ dừng ở đó: Cả bình cả rượu vẫn cũ, chỉ mới tên gọi!

Hai. Từ trước, nhất là sau Tết Nguyên đán, cả Hà Nội, cả nước nín thở theo dõi chiến dịch "diệt" rùa tai đỏ và chữa trị cho rùa Hồ Gươm. Mục đích chính là:

1. Bảo vệ và giữ gìn loài rùa quý- gắn với những huyền thoại của Thăng Long - Hà Nội.

2. Bảo vệ môi trường sinh thái của Hồ Gươm, hòn ngọc xanh của Thủ đô...

Đã có nhiều hội thảo, nhiều sáng kiến được đưa ra. Cái bẫy rùa tai đỏ hiệu nghiệm nhất, theo thông báo, 10 giờ chụp được 13 con. Còn việc giăng lưới bắt rùa Hồ Gươm thì kết quả là 2 lớp lưới vây bị phá hỏng, việc đưa rùa vào bệnh viện "dã chiến" bất thành.

Hai sự kiện ấy có gì giống nhau? Có! Bởi đều cùng xuất phát từ lối tư duy… phong trào và sự lúng túng khi ứng xử trong các tình huống.

Từ đổi mới, cuộc sống của đại đa số dân đã tốt hơn nhiều. Sau nhiều năm phát triển, giờ đây chúng ta nhận thấy rằng tăng trưởng của đất nước chưa bền vững. Một trong những nguyên nhân chính là do đầu tư công quá dàn trải và ít hiệu quả.

Ngành giáo dục - đào tạo của chúng ta đã có hàng chục năm cải cách. Nhưng thay vì đổi mới phương tiện, phương pháp giáo dục, nâng cao trình độ thầy giáo thì người ta ra sức mở rộng hệ thống các trường- trung cấp thành cao đẳng; cao đẳng thành đại học. Hàng loạt giáo sư, tiến sĩ chỉ hư danh. Trường đại học gì mà cơ sở đi thuê, thầy cũng đi thuê... Nếu tính tỷ lệ trường đại học, cao đẳng trên diện tích thì nước ta vào loại hàng đầu thế giới - chỉ riêng đại học, mỗi tỉnh, thành đã không dưới 3 trường. Vậy nên cách chiêu sinh tốt nhất là đổi tên gọi. Vừa quốc tế, vừa vĩ mô, vừa thị trường. Và quan trọng nhất là không tốn kém.

Thực ra giải quyết rùa tai đỏ và chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm không thành vấn đề nếu các nhà khoa học của chúng ta trả lời được mấy câu hỏi:

1. Trong hồ có bao nhiêu rùa thuộc loại quý hiếm, nặng bao nhiêu, bao nhiêu tuổi, giới tính thế nào? Sinh hoạt hằng ngày ra sao? Và mấy vết trên thân hình chúng ta trông thấy là do tuổi tác, do vi khuẩn hay do nước hồ ô nhiễm?

2. Hiện có bao nhiêu rùa tai đỏ và tập tính chúng như thế nào?

Với rùa Hồ Gươm, cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện phương án "cưỡng chế". Với rùa tai đỏ, giải quyết không khó. Được biết có những người biết câu loại rùa này, một giờ có thể câu được ít nhất 3 con…

Giá như thực sự quan tâm tới hiệu quả của các dự án thì sẽ không có những chuyện… thay vì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.