(HNM) - Tối 15-5, Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở
Một cảnh trong vở “Thầy và trò”. |
"Thầy và trò" do nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương chấp bút. Khi Nhà hát Kịch Việt Nam được giao thực hiện vở này, họ đã quyết định mời NSND Trần Ngọc Giàu từ TP Hồ Chí Minh đạo diễn, những mong tạo luồng gió mới từ sân khấu phương Nam.
Vở kịch mở ra với lá đơn xin thôi học của hai học sinh ưu tú tên là Thông và Linh - gửi đến ban giám hiệu của một trường đại học với lý do "môi trường đào tạo không phù hợp". Những câu hỏi "tại sao" được đặt ra, dẫn đến những sự thật gây bất ngờ. Hiệu trưởng Trung, sau một thời gian quá tin tưởng vào cấp dưới, đã giao nhiều công việc quan trọng cho Phó Hiệu trưởng Long và Trưởng phòng Đào tạo Lan. Với quyền hành trong tay, Long và Lan cặp kè với nhau, biến trường học thành nơi để trục lợi cá nhân. Hai người này đã hình thành đường dây mua bán điểm, bỏ bê việc giáo dục. Họ thẳng tay "ra đòn" với những giáo viên, sinh viên có ý định tố cáo việc làm sai trái của mình. Trường đại học, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước biến thành môi trường đầy rẫy tệ nạn, sinh viên thì biếng nhác học hành, có người còn tham gia đường dây mua bán điểm. Nhiều học trò sa vào cờ bạc, nghiện hút, đánh nhau, nữ sinh cặp bồ với quan chức…
Chỉ sau hơn hai tháng dàn dựng, NSND Trần Ngọc Giàu đã khéo léo loại bỏ sự cứng nhắc để vở diễn uyển chuyển hơn. Những nút thắt - mở được "giải" nhẹ nhàng, khá gọn gàng, bảo đảm rằng khi mỗi màn kịch khép lại, người xem có thể rút ra được một điều gì đó có ích. Chẳng hạn, ở màn đầu, có thể thấy rõ ngôi trường chìm trong tệ nạn; đến màn hai, người xem đã có thể "kết luận" được là hai sinh viên ưu tú Thông và Linh không hư hỏng như lời đơm đặt; tới màn tiếp theo thì lột trần bộ mặt của hai người "thầy không ra thầy" là Long và Lan.
Hiệu trưởng Trung và cô giáo Nhân là hai nhân vật đi suốt vở kịch, giúp người xem tìm ra sự thật về ngôi trường. Trong thời gian đó, họ cũng trải qua nhiều cung bậc xúc cảm, có khi phải tự vấn về con đường mình đã chọn, trách nhiệm của người làm thầy khi để xảy ra điều xấu. Tuy mỗi màn có một cái kết nhẹ nhưng sau cùng, trước khi tấm màn nhung khép lại, NSND Trần Ngọc Giàu đã tạo ra một cái kết mở để mỗi người phải day dứt, nghĩ suy nhiều hơn, khác hẳn với kịch bản gốc. Đạo diễn cho rằng: "Tình huống này không chỉ xảy ra trong trường đại học, cũng không phải chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nhà trường, mà có thể lan ra toàn xã hội, gây hậu họa cho đất nước. Vì vậy, tôi để câu chuyện còn đấy, để mỗi người tự vấn và điều chỉnh mình".
Vở diễn trơn tru bởi ê kíp thực hiện đều là những gương mặt kỳ cựu. NSND Hoàng Song Hào tạo dựng một sân khấu đơn giản với tấm phông ngập những biểu tượng trí thức bị xé toạc; những tấm bình phong in hình bằng cấp có thể linh động di chuyển, gây cảm giác nhức nhối cho người xem. Phần âm nhạc do Thiếu tướng Đức Trịnh - Hiệu trưởng Trường ĐH VHNT Quân đội viết; NSND Ngô Hoàng Quân và NSND Trần Thị Mơ chơi cello, để lại những âm trầm gợi day dứt - ăn khớp với câu chuyện kịch. NSƯT Trung Anh (vai thầy Trung), NSND Lan Hương (vai cô giáo Nhân), Minh Hiếu (vai thầy Long) thể hiện khả năng diễn xuất nhuần nhị. Tuy nhiên, các diễn viên phụ vẫn hơi cứng và nhập vai chưa sâu.
Không phải ngẫu nhiên mà vở kịch được công diễn đúng thời điểm này, khi năm học đã kết thúc với nhiều tấm bằng được trao và mùa tuyển sinh mới đã đến gần. Với cách dựng kịch phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc, "Thầy và trò" góp thêm tiếng nói đáng để suy ngẫm về sự nghiệp "trồng người".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.